Phải chĩa 'mũi giáo' về phía tham nhũng quyền lực

(PLO) - Một sự kiện rất đáng chú ý diễn ra vào đầu tuần này là Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng. Hội nghị này được dư luận đặc biệt quan tâm bởi mở ra giữa lúc khí thế chống tham nhũng và trừng phạt hành vi tham nhũng đang ở mức cao trào và chưa bao giờ mạnh mẽ đến như thế.

Chỉ điểm qua một con số thôi: 1.300 đảng viên đã bị kỷ luật vì hành vi tham nhũng hay cố ý làm trái từ Đại hội XII đến giờ, chỉ điểm qua một đánh giá thôi: Tổ chức Minh bạch thế giới đã xếp hạng chỉ số chống tham nhũng của Việt Nam tăng lên 6 bậc so với năm 2016 là đủ để thấy kết quả của việc chống tham nhũng trong thời điểm diễn ra Hội nghị này.

Và điều đó cũng cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng không chỉ trong khuôn khổ một đất nước mà nó ảnh hưởng đến tầm quốc tế và diễn biến của nó không chỉ trong nội bộ cơ quan, cán bộ nhà nước mà hiện tại đã lan ra các lĩnh vực ngoài phạm vi công quyền. Các “vùng cấm” đã được mở ra, những nhân vật tưởng chừng như “không thể đụng tới được” đã thành bị cáo, những vụ việc tham nhũng ngỡ đã “chìm xuồng” đã phải phơi bày trước pháp luật, những thế lực hắc ám buộc phải lộ diện và hơn tất cả, niềm tin của nhân dân trỗi dậy mạnh mẽ, sự liêm chính đang quay trở lại với đội ngũ cán bộ như một tiêu chuẩn hàng đầu về phẩm chất.

Nếu tham nhũng là “bệnh bẩm sinh” của quyền lực thì mũi nhọn của ngọn giáo chống tham nhũng phải chĩa về phía quyền lực. Tham nhũng quyền lực không chỉ biểu hiện ở chỗ “mua quan, bán tước” hoặc “nâng đỡ không trong sáng”, “cả họ làm quan”... mà nó hiện diện ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ “doanh nghiệp sân sau” đến “chống lưng” cho sự vi phạm pháp luật, từ “chỉ định thầu” đến các thủ đoạn quen thuộc của “tư bản thân hữu”.

Tham nhũng quyền lực thể hiện ở chỗ vô cảm trước nỗi khổ của nhân dân, không theo lời Bác dạy: “Cái gì lợi cho dân thì làm”, vì thế, họ làm ngơ hoặc tiếp tay cho các loại “lâm tặc”, “cát tặc” hoành hành, bảo kê cho xe quá tải,... đe dọa trực tiếp đến cuộc sống yên bình của người dân. Làm đường quốc lộ mà ngăn sự điều hòa nước khiến cả một vùng đồng khô, cỏ cháy, nông dân phải bỏ ruộng là một ví dụ rất rõ về tham nhũng quyền lực. Bởi quyền lực thực sự phải thuộc về nhân dân chứ không phải một ai đó nắm quyền định đoạt số phận của họ.

Hội nghị này bàn về những biện pháp nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống tham nhũng nhưng quan trọng hơn tất cả là những giải pháp tích cực để tạo ra một môi trường trong sạch, liêm chính và không cho tham nhũng có cơ hội phát sinh, phát triển. Mong rằng không có ai nhụt chí mà đứng sang bên trong cuộc chiến sinh tử này!