Quản trị về văn hóa, lối sống

(PLVN) - Thêm một vụ “trọng án” xảy ra chấn động dư luận xã hội, nguyên nhân là tài sản, sau vụ thảm sát giữa người thân xảy ra ở Hà Nội. Nguyên nhân ban đầu vụ anh trai chém gia đình em gái ở TP. Thái Nguyên được hung thủ khai nhận là liên quan  khoản nợ hơn 3 tỷ đồng.
Vì số tiền 3, tỷ đồng, anh trai chém gia đình em gái.
Vì số tiền 3, tỷ đồng, anh trai chém gia đình em gái.

Theo đó, từ năm 2016 đến nay, gia đình bà B.T.H có nợ ông Bùi Xuân Hồng khoản tiền khoảng 3,5 - 3,6 tỷ đồng. Do khoản nợ lớn, nhiều lần không đòi được nên Bùi Xuân Hồng đã ra tay sát hại cả gia đình em gái. Hiện nay một người đã tử vong. Xin nói thêm, kẻ thủ ác, anh trai nạn nhân từng là Phó Giám đốc một công ty nhà nước, không phải là “dân xã hội”.

Chúng ta đang chứng kiến điều gì? Chứng kiến, từ quan niệm xã hội cho đến hành động cá nhân thực dụng đến nghiệt ngã.

Nhiều người có lương tâm và ý thức trách nhiệm công dân đang rất lo ngại về thực trạng suy đồi đạo đức, lối sống của “một bộ phận không nhỏ” dân cư, trong đó có cả “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên, nhưng đông nhất - là số người trong lớp trẻ hiện nay (gồm thanh thiếu niên và trung niên). Một biểu hiện rõ rệt nhất của sự suy đồi ấy là lối sống thực dụng thấp kém.

Một số quan chức, đến cỡ “thượng thư”, tướng nọ, tướng kia trở thành “tội đồ” của kỷ cương luật pháp vì hám chức, hám danh, hám tiền.

Ngoài xã hội, vì hám tiền mà nhiều kẻ đã vào những băng đảng đâm thuê chém mướn, sẵn sàng giết người không ghê tay. Vì tình, vì tiền mà bao nhiêu cuộc đánh ghen, xô xát, kể cả giết hại tình địch rồi phi tang xác nạn nhân. 

Vì sao con người ngày càng “ác” với nhau, ngay cả trong nội thân gia đình, máu mủ, ruột rà? Điều này chỉ có thể giải thích rằng: xã hội đã quá thực dụng. nhiều quan hệ trong xã hội vận hành đều dựa trên “giá trị lõi” là đồng tiền.

Nhiều nghị quyết về văn hóa đã được ban hành. Đáng tiếc là văn hóa, lối sống ngày càng báo động. Đáng tiếc, cách quản lý xã hội, quản lý văn hóa tỏ ra xơ cứng, bị động và lúng túng.

Trở lại một “câu chuyện nhỏ” để thấy lúng túng: Năm nay Hà Nội vận động không thả bóng bay khai giảng. Thật ra có rất nhiều cách để bảo vệ môi trường.

Bảo vệ môi trường là một câu chuyện dài, chứ không phải là mốt thời trang, là trào lưu vội vã. Việc từ chối quả bóng bay sẽ đẹp hơn nếu sau lễ khai giảng sân trường không tràn ngập túi nylon, chai nhựa, hộp xốp, như bất kỳ sau một lễ hội nào đó ở khắp Việt Nam.

Một xã hội lành mạnh là xã hội có kỷ cương ngay từ trong nội bộ Đảng, Nhà nước sau đó đến xã hội trên cơ sở thực hành luật pháp chứ không phải ở các khẩu hiệu. Chúng ta vẫn hổng về kỹ năng quản trị về văn hóa và lối sống.