Quảng Trị: Tòa cố tình “nhầm” hộ gia đình và cá nhân?

(PLO) - Báo PLVN đã có bài phản ánh về việc hai cấp tòa tại tỉnh Quảng Trị vi phạm tố tụng khi cho rằng sổ hộ khẩu cấp cho “Hộ gia đình” là do “nhầm lẫn” để không công nhận bà Thiềm Thị Phương Mai là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) do bố đẻ đứng tên.
Cửa hàng xăng dầu Ái Tử do bà Trần Thị Minh Thành bỏ tiền mua
Cửa hàng xăng dầu Ái Tử do bà Trần Thị Minh Thành bỏ tiền mua

Với phán quyết của tòa án, gia đình bà Mai đã ròng rã hơn hai năm trời mang đơn đi gõ cửa kêu cứu khắp nơi, nhưng chưa được xem xét gây bất bình trong dư luận.

Không khách quan

Trong quá trình tố tụng tại TAND huyện Triệu Phong và sau đó tiếp tục tại TAND tỉnh Quảng Trị thì giấy chứng nhận (GCN) mà UBND huyện Triệu Phong cấp cho “Hộ Thiềm Công Khai” không có tranh chấp giữa thành viên trong hộ với nhau. Tại thời điểm bố mẹ bà Mai thế chấp tài sản cho đến nay người nhận thế chấp là Agribank Triệu Phong đã công nhận mà không có bất cứ yêu cầu nào khác. Điều này cho thấy không có tranh chấp về chủ sở hữu ghi trong GCN.

Theo đó, “Bản cam kết thay cho lời di chúc” mà bà Diệp trước khi qua đời đã lập như chúng tôi đã đề cập không phải là giao dịch cho tặng tài sản giữa bà Diệp (mẹ) cho con ông Thiềm Công Khai và bà Trần Thị Minh Thành. Do đó, việc UBND huyện Triệu Phong cấp GCN cho “Hộ Thiềm Công Khai” là đúng giao dịch dân sự được xác lập, không cấp sai đối tượng đã áp dụng đúng các quy định của pháp luật, không nhầm đối tượng giữa “hộ” và “cá nhân”. 

Tại khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”. 

Cũng tại Điều 108 Bộ Luật dân sự 2005 quy định về tài sản chung của hộ gia đình: “Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thỏa thuận là tài sản chung của hộ”.

Luật đã quá rõ, vậy tại sao hai cấp tòa Quảng Trị vẫn quyết đẩy bà Mai không được hưởng quyền lợi là thành viên của hộ gia đình? 

Với tất cả các diễn biến tố tụng như đã nêu, nhưng bản án phúc thẩm vẫn đưa ra giải quyết vấn đề đối tượng được cấp GCN là không thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Tố tụng Dân sự và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 32a của luật này. Mặt khác, GCN nếu cấp không đúng đối tượng là thuộc trường hợp vi phạm pháp luật quy định tại Điều 64 Luật Đất đai năm 2013. Theo điều luật này, nếu có khiếu kiện thì được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 106 Luật Đất đai năm 2013. Trong phạm vi giải quyết một vụ án tranh chấp dân sự thì Tòa án không có thẩm quyền để giải quyết. Việc hai cấp Tòa án đưa ra giải quyết cho thấy rõ ràng có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Theo đó, UBND huyện Triệu Phong là người ban hành GCN nhưng cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã không đưa đại diện của UBND huyện Triệu Phong tham gia tố tụng mà vẫn kết luận cấp GCN không đúng đối tượng là vi phạm pháp luật về đất đai. Trong trường hợp này, lẽ ra sự việc phải được giải quyết bởi một thủ tục khác nhưng Tòa án vẫn kết luận vụ án cũng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. 

Những vi phạm đã nêu của hai cấp tòa tỉnh Quảng Trị đã được bà Thiềm Thị Phương Mai khiếu nại, nhưng TAND tỉnh Quảng Trị đã bác đơn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân gây bất bình trong dư luận xã hội.

Cửa hàng xăng dầu Ái Tử là tài sản chung của hộ gia đình

Bà Mai khẳng định: “Trong quá trình làm thủ tục mua bán cây xăng Ái Tử thì bà Trần Thị Minh Thành (mẹ ruột) đã tiến hành thành lập DNTN Xăng dầu Thành Minh, được UBND tỉnh Quảng Trị cấp Giấy phép thành lập doanh nghiệp vào ngày 19/12/1994. Sau khi được cấp phép kinh doanh, thì bố tôi - ông Thiềm Công Khai làm cung ứng, còn tôi trực tiếp bán lẻ xăng dầu, mẹ tôi làm quản lý chung. Như vậy, sở hữu cây xăng tại thị trấn Ái Tử mang tên DNTN Thành Minh là tài sản chung của hộ gia đình được quy định tại Điều 118 BLDS năm 1995”.

Bà Mai cũng khẳng định rằng, từ năm 1994 cho đến nay bà là thành viên của hộ gia đình gồm bố và mẹ của bà. GCN do UBND huyện Triệu Phong cấp cho “Hộ ông Thiềm Công Khai” là do phát sinh từ giao dịch dân sự của hộ, không thuộc tặng, cho riêng, thừa kế riêng. Từ thời điểm cấp GCN cho đến nay, các thành viên trong hộ không tranh chấp, không xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của ai, quá trình giao dịch thế chấp tài sản cũng được Agribank Triệu Phong thừa nhận…

Được biết, bà Mai đã có đơn gửi TAND cấp cao tại Đà Nẵng để được xem xét giải quyết. Hy vọng, khiếu nại của bà Mãi sẽ được xem xét, giải quyết thấu tình đạt lý.