Sai phạm đất rừng Sóc Sơn: Sau kỷ luật cán bộ có xem xét trách nhiệm hình sự?

(PLVN) -  Sau 5 tháng công bố kết luận Thanh tra, cuối cùng 39 cán bộ bao gồm cả nguyên Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vương Văn Bút, hai phó chủ tịch là ông Đỗ Minh Tuấn và ông Tạ Văn Đạo đều bị kỷ luật với các hình thức khác nhau do liên quan đến các vi phạm đất rừng ở Sóc Sơn. Vậy sau việc xử lý về mặt chính quyền và đảng, các cá nhân, tập thể liên quan tới sai phạm này có bị xem xét trách nhiệm hình sự như kiến nghị của Thanh tra trước đó?
Ảnh: Các công trình vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn
Ảnh: Các công trình vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn

39 cán bộ, lãnh đạo bị kỷ luật

UBND huyện Sóc Sơn vừa có văn bản số 464 báo cáo kết quả thực hiện Kết luận số 1085 của Thanh tra và chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội liên quan đến những sai phạm đất rừng tại huyện Sóc Sơn. Văn bản do Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh ký ban hành cho biết: UBND huyện Sóc Sơn đã xây dựng kế hoạch, thành lập tổ công tác để chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Theo đó, huyện này đã xem xét kỷ luật 80 trường hợp nhưng sau đó có 41 trường hợp không tiến hành kỷ luật được do có 19 trường hợp chưa đến mức kỷ luật và 22 người không bị kỷ luật vì hết thời hiệu (ốm, chữa bệnh); 39 cán  bộ còn lại có 29 người bị khiển trách; 6 trường hợp nhận kỷ luật cảnh cáo; cách chức 2 trường hợp và buộc thôi việc 2 cán bộ công chức, lao động hợp đồng.  

Bên cạnh đó, tập thể lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn đã tổ chức kiểm điểm đối với tập thể lãnh đạo UBND huyện các nhiệm kỳ (2006 - 2011, 2011 - 2016, 2016 - 2021), trong đó có Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND huyện các nhiệm kỳ trên. “Trên cơ sở báo cáo kiểm điểm của huyện, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Đỗ Minh Tuấn - Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn”- báo cáo UBND huyện Sóc Sơn cho biết.

Kiểm điểm về đảng, Ban Thường vụ huyện ủy cũng đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể Ban Thường vụ huyện ủy ba nhiệm kỳ (2005 - 2010, 2010 - 2015, 2015 - 2020) và cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trách nhiệm liên quan trong ba nhiệm kỳ.

Ngày 31/7/2019, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội có thông báo số 2114 Kết luận của Ban thường vụ thành ủy về kết quả kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức đảng, đảng viên có liên quan đến sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn giai đoạn 2008-2018. “Theo đó, Ban thường vụ thành ủy Hà Nội kết luận: Ban thường vụ huyện ủy Sóc Sơn qua 3 nhiệm kỳ (từ năm 2006 đến nay) cần  nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc”- báo báo thông tin..

UBND huyện Sóc Sơn cũng cho hay, Uỷ ban Kiểm tra thành ủy cũng đã có các quyết định xử lý kỷ luật đối với 3 cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý: Phó chủ tịch UBND huyện Đỗ Minh Tuấn bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách; Nguyên Chủ tịch UBND huyện Vương Văn Bút và nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Tạ Văn Đạo cùng bị kỷ luật theo hình thức cảnh cáo.

Ngoài ra, Huyện ủy đã ban hành quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Đảng ủy Đảng bộ Đội Thanh tra trật tự xây dựng đô thị huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 đối với ông Đào Văn Sửu và điều chuyển ông Sửu về làm Phó giám đốc Trung tâm quản lý khu du lịch - di tích đền Sóc Sơn.

Riêng đối với việc thực hiện dự án cắm mốc giới rừng và lập bản đồ địa chính đất rừng làm cơ sở cho công tác quản lý, theo UBND huyện Sóc Sơn, hiện đang tích cực phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở TN&MT, Phân viện điều tra Quy hoạch rừng Tây Bắc bộ để xin ý kiến, hoàn thiện hồ sơ cắm mốc theo Kết luận của Thanh tra TP. Hà Nội.  

Có xem xét xử lý hình sự?

Trước đó, theo Kết luận Thanh tra công bố cuối tháng 3/2019, UBND Hà Nội phê duyệt dự án điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ ở Sóc Sơn gồm toàn bộ diện tích 4.557 ha đất rừng, đất lâm nghiệp ở 9 xã và Lâm trường Sóc Sơn  thành rừng phòng hộ bảo vệ môi trường. Sau khi có quy hoạch điều chỉnh rừng rừng, các cơ quan quản lý liên quan đã buông lỏng quản lý dẫn tới các trường hợp vi phạm đất đai, mua bán chuyển nhượng, vi phạm trật tự xây dựng tiếp tục diễn ra tại các xã có rừng.

Về vi phạm trong sử dụng đất, trật tự xây dựng tại các xã Tiên Dược, Quang Tiến, Hiền Ninh, Phù Linh, Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, Thanh tra Hà Nội xác định 7 xã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong diện tích đất thuộc quy hoạch rừng phòng hộ môi trường, như mua bán chuyển nhượng, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng trái phép trên đất thuộc quy hoạch rừng.

Thậm chí, UBND 3 xã: Phù Linh, Nam Sơn, Hồng Kỳ, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội chi nhánh huyện Sóc Sơn, Phòng TN&MT huyện Sóc Sơn, UBND huyện Sóc Sơn còn xét, cấp sổ đỏ đất ở cho 13 trường hợp sử dụng đất trong quy hoạch rừng phòng hộ sau năm 2008; Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội chi nhánh huyện Sóc Sơn làm thủ tục chuyển nhượng, cấp đổi giấy chứng nhận cho 22 trường hợp mua bán, chuyển nhượng đất nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ sau năm 2008…

Đáng chú ý, với những vi phạm được cho là nghiêm trọng nêu trên, tại thời điểm công bố kết luận, Thanh tra TP Hà Nội không chỉ đề nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định đối với tập thể và cá nhân qua các thời kỳ từ năm 2006-2018 do buông lỏng quản lý về đất đai, trật tự xây dựng đề xảy ra các vi phạm như kết luận nêu trên; Thanh tra TP Hà Nội còn kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội đối với những vi phạm trong việc chứng thực, xác nhận mua bán, chuyển nhượng đất dẫn đến việc xây dựng công trình vi phạm trong quy hoạch rừng năm 2008 để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.