'Sao' hoạt ngôn quá hóa... 'lố'

(PLO) - MC không chỉ là người giới thiệu, đó còn là nhân tố rất quan trọng để kết nối những người tham gia một chương trình, khiến chương trình trở nên sống động, duyên dáng hơn. Nếu pha trò hay gây cười không đúng chỗ, người dẫn chương trình rất có thể sẽ trở nên vô duyên trong mắt khán giả.
Lễ trao giải Qủa bóng vàng  2018 bị khán giả la ó vì MC dẫn kém duyên
Lễ trao giải Qủa bóng vàng 2018 bị khán giả la ó vì MC dẫn kém duyên

Năm 2018 khép lại với nghề MC bằng một sự cố không mấy vui vẻ: Hai MC chương trình Quả bóng vàng bị người hâm mộ chỉ trích dữ dội. Ngay sau buổi lễ trao giải Quả bóng vàng mới đây, sự pha trò quá lố và tung hứng sai chỗ của hai MC Thiên Vũ và Tường Vy đã đẩy các cầu thủ tham gia vào tình huống rất khó chịu, gây phản cảm cho khán giả.

Các cầu thủ là đồng đội của một môn thể thao mang tinh thần tập thể cao. Thế nhưng, hai MC chương trình vì tìm cách gây cười đã biến chương trình bình chọn Quả bóng vàng thành cuộc tranh đua của những cá nhân, đưa các cầu thủ vào tình huống cạnh tranh khá ngượng ngùng cho cả người đoạt giải và không đoạt giải, khiến các cầu thủ dù nhận giải cũng không mấy hài lòng.

Kết thúc chương trình, hai MC nói trên đã nhận không ít “gạch đá” từ khán giả. Ngay sau đó, MC Tường Vy đã lên tiếng thanh minh và cho biết, hai MC chỉ thực hiện theo kịch bản có sẵn. Tuy nhiên, giải thích này vẫn không thể làm hài lòng khán giả.

Dĩ nhiên, mỗi một chương trình đều có kịch bản và kịch bản MC, điều này ai cũng biết. Tuy nhiên, công việc của MC không phải chỉ là dẫn theo một kịch bản đã được “lập trình”. MC chính là những người khéo léo điều phối chương trình và “tùy cơ ứng biến” để chương trình trở nên vui vẻ, ít sự cố nhất có thể. Đằng này, chính sự vụng về và các trò gây cười “thiếu muối” khiến MC tự gây ra sự cố cho chương trình.

Truyền hình cũng chứng kiến nhiều pha “thiếu duyên” khi đưa những người nổi tiếng làm MC. Trường Giang là danh hài thì có thể khá hài hước, nhưng đứng ở vai trò MC, cái sự gây cười của anh đã không ít lần khiến khán giả phải bức xúc.

Cụ thể, trong một chương trình trao giải, cách đùa “nhây”, chọc cười nhưng lại mất tập trung cho nội dung chương trình, khiến gọi tên sai hàng loạt “sao” Việt, đồng thời đẩy một số “sao” vào tình huống khó xử vì đùa kém duyên, sau đó danh hài này đã phải xin lỗi vì màn dẫn chương trình của mình.

Đó không phải là lần duy nhất danh hài này bị chỉ trích khi cố gắng gây cười trong lúc dẫn chương trình. Sự chọc cười không đúng chỗ đã khiến anh không biết bao nhiêu lần làm cho các thí sinh sượng sùng trong các chương trình truyền hình thực tế.

MC Trấn Thành hay nữ ca sĩ Hari Won cũng “không kém cạnh” khi liên tục có những tiết mục “chọc cười sai chỗ” ở vị trí MC, khiến không những khán giả mà bản thân người tham gia chương trình cũng hoang mang, khó xử.

Có thể nói, hài hước là một khả năng cần có của một MC giải trí, nhằm giúp chương trình trở nên vui vẻ, nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, cách gây cười “chọt lét”, không đúng chỗ được bê nguyên từ các cách diễn tấu hài ra thì không chỉ không giúp giải tỏa căng thẳng mà còn dễ gây thêm sự cố cho các chương trình.

Khán giả đang bội thực bởi các màn tấu hài nhan nhản trên sóng truyền hình, điều họ cần không phải là những pha chọc cười vụng về, mà là sự duyên dáng thật sự xuất phát từ nội lực của người làm nghề dẫn chương trình.