Sao vẫn mãi bị lừa?

(PLO) - Không ít cảnh báo về những vụ “mạng ảo, lừa đảo thật” nhưng vẫn có nhiều người sập bẫy bọn chúng, lâm vào cảnh nợ nần, thậm chí tan cửa, nát nhà còn mang tiếng là “tham và dại”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Gần đây nhất, một phụ nữ có 3 con nhỏ, chồng đi làm ăn xa, ở một xã miền núi xa xôi của huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ đã trở thành nạn nhân của vụ lừa đảo qua mạng ảo này. Thủ đoạn không có gì là tinh vi và vẫn cũ rích: kết bạn trên mạng xã hội với cái “ních” mang tên ngoại quốc, tỏ thiện chí muốn gửi tiền giúp đỡ trẻ em, người nghèo yêu cầu gửi địa chỉ, số điện thoại liên lạc rồi thông báo món tiền đã gửi, để trong hộp, qua một người đến Việt Nam.

Sau đó, thông báo với đối tượng bị lừa đảo rằng gửi tiền vào tài khoản để đóng phí chuyển hàng. Khi “cá đã cắn câu” thì liên tiếp gọi yêu cầu gửi tiếp tiền vào các tài khoản khác nhau, mỗi lần số tiền tăng dần lên với lý do hải quan soi thấy món tiền lớn, yêu cầu đóng phí, rồi công an phát hiện ra, phải đóng tiền cho họ, tiếp tục là đóng tiền để “bảo lãnh” chính mình là chủ sở hữu, khuyến khích nạn nhân vay lãi cao cũng được rồi trấn an họ rằng mọi cái chi phí đó sẽ đã hoàn trả tức thời... 

Người phụ nữ này đã gửi 141 triệu đồng vào các tài khoản khác nhau nhưng khi chúng yêu cầu gửi tiếp 280 triệu nữa thì chị không thể vay mượn ở đâu được nữa và đem chuyện này nói với mọi người xung quanh, ai cũng bảo chị bị lừa đảo rồi và lúc đó chị mới tỉnh ngộ và báo công an trong khi chúng vẫn còn tiếp tục đốc thúc chị gửi tiền qua cái điện thoại mà chị đã nộp cho công an.

Tất nhiên, biết là không lừa đảo được nữa, bọn chúng lặn mất tăm, không để lại dấu vết gì cùng với số điện thoại dùng liên lạc và các số tài khoản gửi tiền.

Một trường hợp khác, đối tượng bọn lừa đảo nhắm tới là một phụ nữ cán bộ ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Chúng giả danh công an, gọi điện báo cho chị là chị đã dính vào một đường dây ma túy mà công an đang điều tra, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để xác minh, nếu chị thực sự “vô tội” thì tiền đó sẽ được hoàn trả. Chỉ bằng cách đó, chúng đã chiếm đoạt của chị hơn 800 triệu đồng. Cú điện thoại cuối cùng chúng yêu cầu chuyển cho chồng chị nghe và thông báo: “Vợ anh bị lừa rồi!”.

Như vậy, phương tiện lừa đảo của chúng là mạng ảo, tài khoản thật, mạo danh nhà từ thiện hoặc công an, hải quan,... dùng dịch vụ ngân hàng. Không phải không có những dấu vết để lại nhưng hầu như chưa có vụ lừa đảo kiểu này bị điều tra, truy tố và nhận sự trừng phạt của pháp luật cả. Còn các nạn nhân “ngây thơ” tiếp tục bị sập bẫy, gây ra hệ lụy rất xấu cho xã hội.