Sau đại dịch, thế giới đã khác rồi...

(PLVN) - Thượng đế cho con người đôi mắt để nhìn ra thế giới. Và chính vì mải mê đeo đuổi, nhìn ngắm thế giới bên ngoài, con người ta lại quên mất đôi khi còn cần phải ngừng lại để nhìn vào sâu thẳm bên trong mình, nhìn vào trái tim mình.
Sau đại dịch, thế giới đã khác rồi...

Cuộc sống luôn luôn chuyển động, không ngừng đi về phía trước. Phần đông người ta thường quan niệm, làm người thì phải biết tiến lên. Bởi trong thế giới hiện đại này, chỉ cần dừng lại một chút là đã bị tụt hậu, bị người khác vượt qua. Nỗi sợ bị bỏ lại ám ảnh mỗi người, thúc đẩy họ như một chiếc mô-tơ gắn vào đuôi tên lửa và khiến cho họ phóng về phía trước mà đôi khi quên ngoái nhìn lại đằng sau. Từ lâu rồi, rất nhiều người trong chúng ta quên đi khái niệm đứng yên, bởi đứng yên đồng nghĩa với việc ngừng phát triển và thậm chí đồng nghĩa với cả sự chết, bởi vì chỉ khi chết người ta mới chịu ở yên mà thôi. 

Nhưng rồi đại dịch đến đã đem lại cho con người quá nhiều đổi thay, đổi thay ở cả thế giới họ đang sống mỗi ngày, mỗi giờ và đổi thay cả chính trong tâm hồn mỗi người. Cách đây chưa đầy nửa năm thôi, có ai ngờ rằng có lúc cả thế giới sẽ phải ngưng lại như thế này đâu. Con người chịu ngoan ngoãn ở yên một chỗ. Có những người cả đời vọng động, có những người chạy theo những con số tăng giảm của dòng tiền, những dự án bất tận. Hay có người không thôi lao vào những cuộc vui, hết cuộc vui này đến cuộc vui khác, hết cuộc tình này đên cuộc tình khác. Bây giờ tất cả đều phải ở yên. 

Mạng xã hội những ngày này ngoài thông tin về Covid-19, có lẽ không gì nhiều hơn là hình ảnh về những món ăn ngon mà mọi người tự tay nấu nướng và chia sẻ. Không ít cư dân mạng thốt lên: “Trời ơi, Facebook biến thành trang ẩm thực từ khi nào vậy?”. Đùa cho vui, nhưng chẳng phải món ăn ngon hằng ngày được chị em up lên cũng là một cách để xoa dịu tâm hồn, đem lại một chút niềm vui nhỏ nhoi trong mùa dịch này ư? Giãn cách xã hội, không ra đường, ở nhà thì còn chuyện gì tốt hơn là vun vén, chăm sóc cho mái ấm của mình?

Có lẽ, đối với những bà nội trợ thì chuyện ngày nấu hai bữa cơm ngon, đổi thực đơn mới lạ mỗi ngày hay nhà cửa tươm tất, gọn gàng là chuyện quá bình thường trong đời sống. Nhưng rất nhiều người phụ nữ, đàn ông trong cuộc đời này, ở những ngày tháng bình thường, khá xa lạ với khái niệm ấy.

Tôi biết có không ít cặp vợ chồng hiện đại, bữa cơm nhà là chuyện hoàn toàn xa lạ đối với họ. Một người chồng là doanh nhân thành đạt, anh có những chuyến công tác bất tận và triền miên. Những bữa cơm của anh diễn ra ở khắp nơi trên thế giới hay ở khắp Việt Nam. Có thể bữa trưa hôm nay anh đang ăn cơm ở Hà Nội nhưng buổi chiều anh lại đang tiếp khách ở Phú Quốc rồi.

Còn chị vợ, một người phụ nữ giàu có và hiện đại, bữa cơm của chị là những bữa tiệc tùng với cánh quý phu nhân ở những nhà hàng hạng sang bậc nhất Sài Gòn.

Con cái họ học ở những trường bán trú, quốc tế, buổi tối thì thẻ tín dụng có sẵn đấy, muốn ăn bất cứ thứ gì không ra ngoài thì người ta đưa đến tận nhà. Đối với anh chị một tháng cả nhà ăn được với nhau bữa cơm là hiếm hoi rồi. Với họ điều đó chả có vấn đề gì cả, họ vẫn vui theo cách của mình.

Và đại dịch tới, dù là doanh nhân tầm cỡ thế nào, dù là phụ nữ hiện đại ra sao thì cuối cùng cũng phải ngồi nhà. Anh không còn những bữa cơm khách ở khắp nơi, chị cũng không còn những buổi shopping hay nhà hàng hạng sang nữa.

Có một ngày tôi ngạc nhiên nhìn thấy bữa cơm nhà thật giản dị mà chị khoe trên facebook là chị vừa mới tự tay nấu cho chồng con ăn. Chỉ một nồi thịt kho, một tô canh rau, một ít đậu xào. Trong bức ảnh, cả gia đình chị quây quần bên mâm cơm, mắt ai nấy lấp lánh vui, cái vui mà chưa bao giờ được thấy. 

Bằng một cách nào đó, đại dịch dường như có những mặt tích cực thật lạ. Nó khiến người ta không còn mải miết 'rượt đuổi' nhau ở bên ngoài nữa. Họ tìm về với mái ấm của mình. Mà không chỉ có thế, mái ấm là một “bên trong” lớn.

Điều sâu sắc hơn là nó giúp họ tìm về cái tôi nhỏ bé tự chính trong tâm hồn mỗi người. Có một vị thiền sư khi được đệ tử hỏi làm thế nào để bớt vọng động, làm thế nào để không bị đời sống cuốn đi, bị những đau khổ ngoài kia va đập vào tâm hồn. Vị thiền sư chỉ đơn giản trả lời “Hãy ngồi yên”. “Hãy ngồi yên”, câu nói nghe có vẻ đơn giản lắm nhưng thật ra nó chứa đựng cả một sự nhiệm màu. Khi người ta liên tục chuyển động, khi người ta muốn hòa mình vào thế giới này có nghĩa là người ta cũng hứng chịu bao bão giông cay đắng, trắc trở mà cuộc sống đem lại.

'Rượt đuổi' bên ngoài cũng khiến con người dễ dàng đánh mất chính mình. Lúc người ta chịu ngồi yên có nghĩa là lúc đó có thể bình tâm và lắng nghe. Lắng nghe nhịp đời và lắng nghe tiếng của lòng mình. 

Ở trong mùa dịch này, tôi không biết có bao nhiêu người đã tìm được chính mình như thế, bao nhiêu người khám phá được rằng: Hóa ra đời sống này cũng có lúc thật là bình yên. Hóa ra mình cũng có khả năng nấu được những món ăn thật ngon, sáng tạo những món thật mới. Hóa ra mình còn có khả năng viết lách hay trang trí nhà cửa, cũng có năng khiếu dạy con. Hay, căn hộ nhỏ bé, căn phòng trọ tí teo vẫn có thể trồng được những cái cây treo, những cây hoa sống trong mát mà trước giờ người ra không hề biết, người ta chỉ có than vãn rằng ước gì có tiền mua căn nhà lớn để trồng cây. 

Vậy đấy, ngồi yên, ngồi và yên lặng, hình ảnh ấy mới đẹp làm sao. Ở yên không chỉ là một hành động để hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ hay ý thức chung tay phòng chống dịch. Ở yên mùa dịch còn là một cơ hội để người ta soi thấu tâm can của chính mình. Hiểu được chính mình mỗi người sẽ hạnh phúc hơn nhiều lắm. Sau đại dịch, thế giới đã khác rồi. Và mỗi người cũng sẽ khác đi.