Sổ đỏ và ước mơ hồng

(PLVN) - Câu chuyện thu hồi sổ hồng của cư dân trong các chung cư do Tập đoàn Mường Thanh xây dựng đã được báo chí nói nhiều. Tuy nhiên, thực tiễn quản lý Nhà nước và thực tiễn pháp luật lại cho thấy nhiều vấn đề “ngoài Mường Thanh”.
Sổ đỏ và ước mơ hồng

Thứ nhất, việc các hộ dân không được cấp sổ đỏ do sai phạm của doanh nghiệp diễn ra rất nhiều nơi. Ví dụ, chung cư Westa (Hà Đông, Hà Nội) do Công ty Cổ phần COMA 18 làm chủ đầu tư. Dù được nhận bàn giao nhà từ năm 2014 và thanh toán đầy đủ tiền mua căn hộ, nhưng đến nay, gần 300 hộ dân tòa nhà Westa Hà Đông vẫn chưa được làm sổ hồng. Ví dụ, chung cư Sakura Tower (47 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân); ví dụ, Hòa Bình Green City...

Thứ hai, chủ đầu tư sai phạm chứ không phải cư dân sai phạm nhưng không hiểu vì lý do gì bị bỏ qua. Dự án chung cư CT6 Bemes nằm trong tổng thể quy hoạch khu đô thị mới Xa La chỉ gồm 2 tòa CT6A và CT6B.

Tuy nhiên, chủ đầu tư đã xây dựng 3 tòa nhà gồm CT6A, CT6B và CT6C. Doanh nghiệp đã tự ý xây tăng 1 tòa so với quy hoạch được duyệt. Những cư dân tại tòa CT6C chưa được cấp sổ đỏ do ở trên phần đất xây dựng trái phép của chủ đầu tư. Cả một tòa nhà xây trái phép chứ không phải chỉ là “cơi nới” một góc bếp trên đất công.

Thứ ba, nhiều chủ đầu tư kinh doanh nhà chung cư, không đủ năng lực về tài chính nhưng không được phát hiện. Chung cư Rubyland cao 18 tầng được đưa vào sử dụng năm 2009 tuy nhiên 10 năm qua chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành thủ tục cấp sổ hồng cho cư dân do chủ đầu tư đang thế chấp chung cư tại ngân hàng Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Thứ tư, theo chế tài hiện nay, hành vi chậm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng. Trên thực tế, nhiều chung cư bỏ mặc cư dân dài cổ chờ sổ đỏ/sổ hồng mà chủ đầu tư vẫn không bị xử phạt gì. Tình trạng “trơ” luật và đẩy “thiệt thòi” về phía người dân.

Hiện nay, không chỉ ở Hà Nội mà TP. Hồ Chí Minh có hơn 100 dự án bất động sản diễn ra tranh chấp, trong đó phần lớn đến từ việc cư dân kiện chủ đầu tư về việc chậm bàn giao sổ đỏ/sổ hồng cho khách hàng. Không chỉ người tiêu dùng thua thiệt, ngân sách Nhà nước cũng bị thiệt hại.  

Phải nói là chuyện sổ đỏ/sổ hồng đã trở thành “hiện tượng”, trở thành một nguyên nhân mới làm “bùng nổ” khiếu kiện. Nguyên nhân không có gì khác ngoài năng lực quản lý và năng lực thực thi luật pháp của các cơ quan có trách nhiệm trong bộ máy Nhà nước.

Người Việt Nam có “văn hóa sở hữu”, mua nhà phải có sổ đỏ/sổ hồng. Do vậy đây là vấn đề hệ trọng, Muốn đẩy nhanh việc cấp sổ đỏ cho dân, cần cải cách mạnh mẽ bộ máy hành chính trong lĩnh vực đất đai các cấp theo hướng minh bạch, chuyên nghiệp và đặc biệt là phải tăng cường hoạt động giám sát việc này.