Sống chung với thiên tai

(PLVN) - Đổ bao nhiêu nước ngọt ra biển mới khiến biển hết mặn? Điều tưởng như không tưởng đó đã hóa sự thật ở một dải bờ biển Phú Yên.
Người dân thị xã Sông Cầu vớt tôm hùm chết, ngắc ngoải đưa lên bờ bán thương lái mong gỡ vốn. Ảnh: Xuân Ngọc
Người dân thị xã Sông Cầu vớt tôm hùm chết, ngắc ngoải đưa lên bờ bán thương lái mong gỡ vốn. Ảnh: Xuân Ngọc

Ngày 11/11, khi những cơn lũ từ trên cao đổ xuống ven biển Phú Yên, hơn 1.520 lồng nuôi của 170 hộ có tôm bên bờ biển vịnh Xuân Đài bị chết, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Trước khi cơn bão Etau ập tới, những người nuôi tôm cùng thợ lặn đã ra bè gia cố lại các lồng, nhận chìm xuống biển cho chắc chắn. Không ai ngờ tối 11/11, khi bão qua, mưa lớn kéo dài, nước lũ đổ xuống vịnh khiến tôm sốc nước ngọt chết hàng loạt.

Sau cơn bão số 5 (bão Matmo) hồi cuối tháng 10/2019, đã từng phát hiện sự việc tôm nuôi trong các lồng ngoài biển bị lờ đờ. Lần đó, họ chủ động kéo lồng ra khu vực nước mặn, để giảm thiệt hại. Nhưng không ngờ trận lũ này nước ào ạt quá khủng khiếp, không ai kịp trở tay.

Theo ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND Phú Yên, đợt lũ rồi không bằng năm 2009, nhưng lượng mưa lớn gây ngập nặng TX Sông Cầu, huyện Tuy An, Đồng Xuân. Tại ba nơi này, địa hình có đồi dốc cao, ít hồ chứa để điều tiết cắt lũ, đã gây ngập “chứ không phải nguyên nhân từ 50 hồ thủy lợi trên địa bàn xả lũ”.

Ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, dự đoán: “Hiện nay nước vẫn còn xuống nên tôm tiếp tục bị chết, con số thiệt hại còn tăng nữa”.

Nguyên nhân cốt lõi của sự việc, theo những nhận định như trên, đến từ sự bất thường của thiên nhiên. Hậu quả thì trước mắt người dân phải gánh chịu. Một ngày sau trận bão lũ, làng biển ven vịnh Xuân Đài, nhiều lồng nuôi tôm hùm bị sóng đánh vỡ, dạt vào bờ. Các thuyền thúng chở đầy tôm chết, thoi thóp liên tục cập bờ để bán với giá rẻ.

Khắp nơi, tôm hùm to bằng 2-3 ngón tay chết đổ thành đống ven đường nhưng không có người mua. Bình thường loại tôm xanh này có giá 850.000 đồng một kg, nhưng khi chết chỉ bán được khoảng 300.000 đồng, với điều kiện chúng còn ngo ngoe râu và càng. Những người dân mếu máo khóc bên những thùng tôm “hấp hối”.

Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT), trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diện tích băng ở các cực liên tục giảm và nhiệt độ trung bình toàn cầu liên tục tăng. Báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong giai đoạn 2010 - 2019 và 5 năm gần đây có nhiệt độ cao nhất trong 140 năm qua.

Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office) cho rằng năm 2020 sẽ là một trong những năm nóng kỷ lục, với nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 1,1 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Thực tế cho thấy thiên tai khí tượng thủy văn năm 2020 tại Việt Nam đã khốc liệt, phức tạp, khó lường so với bình thường.

Nhiều ý kiến cho rằng để làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, chúng ta chỉ có thể tìm cách thích ứng, tùy theo mỗi địa phương, mỗi ngành nghề. Có thể từng bước khôi phục rừng, trang bị những phương pháp khác nhau để chuyển đổi ngành nghề, cây trồng, vật nuôi và có chính sách khuyến khích những sự chuyển đổi trên. Phải học cách “sống chung với lũ”.