Sông Gành Hào – Hộ Phòng (Bạc Liêu): Hiểm họa từ những đáy neo dày đặc

(PLO) - Thời gian gần đây, tình trạng người dân đánh bắt cá đặt đáy neo dày đặc trên sông thuộc tuyến Gành Hào – Hộ Phòng (tỉnh Bạc Liêu) đã khiến người điều khiển phương tiện đường thủy hoang mang vì nó tiềm ẩn tai nạn giao thông... 
Đáy neo được đặt tràn lan trên sông, tàu ghe dễ bị mắc lưới rất dễ gây tai nạn.
Đáy neo được đặt tràn lan trên sông, tàu ghe dễ bị mắc lưới rất dễ gây tai nạn.

Bạc Liêu là một trong 13 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với hệ thống kênh, rạch chằng chịt. Tuy hiện tại có nhiều tuyến đường bê tông được mở nhưng rất đông người dân vẫn dùng phương tiện đường thủy để lưu thông hoặc chuyên chở hàng hóa. Việc một số hộ dân làm nhiều hàng đáy neo kéo hàng ngang được đặt trên sông để bắt thủy sản không những gây cản trở cho người lưu thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Nơi đây từng xảy ra một vụ tai nạn do tàu mắc phải dây neo vào ban đêm khiến một người chết và một người người bị thương.

Dù mới vào đầu mùa vụ cá giống nhưng đã có hàng trăm đáy neo xuất hiện trên tuyến sông Gành Hào – Hộ Phòng. Trong đó, các đoạn ngã ba, ngã tư sông là nhiều nhất, đặc biệt là cửa sông Gành Hào đi huyện Đầm Dơi (Cà Mau), đoạn ngã ba sông Rạch Cốc, ngã ba kênh xáng và tuyến Kênh xáng Hộ Phòng... Hàng trăm đáy neo cứ đan xen nhau, có đoạn chiếm hơn phân nửa tuyến sông, làm cho phương tiện lưu thông hoạt động rất khó khăn. Với tình trạng này, nếu phương tiện từ xa đến ngay thời điểm ban đêm sẽ khó mà tránh khỏi việc mắc phải dây neo. Cùng theo đó thì dòng chảy trên tuyến sông này rất mạnh, nguy cơ tiềm ẩn chìm tàu là khó tránh khỏi. 

Mặc dù ngành chức năng địa phương đã tích cực tuyên truyền và thực hiện nhiều biện pháp tháo dỡ nhưng vẫn không thể xử lý dứt điểm tình trạng này. Nguyên nhân chủ yếu là do người đặt đáy neo đa phần không phải dân tại địa phương, sau khi ngành chức năng cưỡng chế tháo dỡ thì họ lại lắp đặt hệ thống đáy neo khác ngay tại vị trí cưỡng chế. Được biết, tiền đóng mỗi cọc neo chỉ khoảng 500 ngàn đồng, cộng thêm tiền mua dây neo, lưới vây và các dụng cụ khác thì mỗi đáy neo dài từ 20 đến 40 mét có chi phí từ 5 đến 7 triệu đồng. Đó là khoản đầu tư không quá lớn nhưng hiệu quả đánh bắt tôm cá khá cao, thu nhập bình quân của mỗi người đặt đáy neo từ 1 đến 2 triệu đồng/ngày. Thậm chí có người thu nhập trên 4 triệu đồng. Với mức thu nhập hấp dẫn như vậy nên người đặt đáy neo ngày càng nhiều và nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông đường thủy cũng tăng lên. 

Việc đặt đáy neo dày đặc cũng dẫn đến tình trạng mất cân bằng sinh thái ngày càng nghiêm trọng trên các con sông, lượng cá lớn trong các sông hiện nay không còn, cá nhỏ lại bị khai thác tận diệt sẽ khiến tình trạng ô nhiễm môi trường càng tăng, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động nuôi trồng thủy sản – lĩnh vực kinh tế trọng điểm của huyện Đông Hải nói riêng, tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau nói chung. Để ngăn chặn tình trạng này, mong ngành chức năng sớm nghiên cứu và triển khai biện pháp xử lý hiệu quả để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra và bảo vệ tốt hệ cân bằng sinh thái trên các tuyến sông, giúp hoạt động lưu thông của người dân trong hoặc ngoài địa bàn thuận lợi hơn…