Sống thọ nhưng phải khỏe

(PLVN) - Ít ngày trước khi diễn ra Hội nghị Chuyển đổi số Y tế Quốc gia 2020 được tổ chức ngày 30/12, cơ quan chức năng đã công bố một số số liệu đáng chú ý.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phụ nữ Việt tuổi thọ trung bình 77,1 song có 11 năm sống với bệnh tật. Nam giới Việt tuổi thọ trung bình 74,4 thì có 8 năm mắc bệnh, theo Tổng cục Dân số. Người cao tuổi hiện chiếm gần 12% dân số nước ta, dự báo đến năm 2025 tỷ lệ 17,9%, và có thể đến giữa thế kỷ 21 chiếm đến 23,5%. Nhưng có tới 60% người cao tuổi sức khỏe yếu đến rất yếu. Trung bình mỗi người cao tuổi mắc khoảng 3-6 bệnh nền, hầu hết là bệnh mạn tính như rối loạn chuyển hóa, xương khớp, tim mạch, thần kinh, hô hấp, tiêu hóa, các vấn đề thính giác, thị giác...

Theo Chủ tịch Hội Giáo dục Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng, hiện tuổi thọ trung bình của người Việt cao hơn nhiều nước có cùng thu nhập bình quân đầu người, tuy nhiên sức khỏe yếu hơn. Vụ trưởng Cơ cấu và Chất lượng Dân số, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, cũng nhận định người Việt tuổi thọ cao song số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước.

Một nghịch lý nữa là nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi ở Việt Nam ít được đáp ứng đầy đủ. Có nhiều người cao tuổi có nhu cầu chữa bệnh nhưng chưa hoàn toàn được đáp ứng. Lý do là không đủ khả năng kinh tế (chiếm 45,3%), điều kiện đi lại khó khăn (17,3%) và điều kiện y tế địa phương không đáp ứng được (16,5%).

Những tồn tại này có thể sẽ được giải quyết trong thời gian tới, với một loạt giải pháp mà Bộ Y tế và Bộ TT&TT đưa ra trong hội nghị ngày 30/12. Với đề án khám chữa bệnh từ xa, đến 2025, 100% cơ sở y tế sẽ tham gia khám chữa bệnh từ xa, bao gồm cả y tế tư nhân.

Từ tháng 7/2021, tất cả trường hợp khám chữa bệnh ngoại trú sẽ phải có hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân, bỏ hoàn toàn hồ sơ giấy, nếu không có sẽ không được thanh toán BHYT. Ngoài đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, điều trị không dùng giấy, thanh toán không dùng tiền mặt, ngành y tế đã ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong chẩn đoán, điều trị Covid-19, sử dụng robot trong phẫu thuật. Tháng 3/2021, Bộ Y tế sẽ ứng dụng AI trong quản lý, cấp phép dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm...

Bộ Y tế hôm 30/12 cũng chính thức khai trương nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở V20 và Mạng lưới y tế Việt Nam. Mạng lưới y tế Việt Nam giống như mạng xã hội kết nối tất cả bác sĩ trên cả nước. Bộ Y tế yêu cầu mỗi bác sĩ tuyến trên kết bạn, hướng dẫn 4 bác sĩ tuyến tỉnh, 4 bác sĩ tuyến huyện và 2 nhân viên y tế tuyến xã. Khi bệnh nhân đến trạm y tế xã khám nhưng được bảo trợ bởi một giáo sư tuyến trên, bệnh nhân yên tâm và bác sĩ tuyến dưới tự tin hơn trong khám chữa bệnh.

Ứng dụng V20 sẽ tạo ra thay đổi toàn diện cho gần 12.000 trạm y tế trên khắp cả nước. Trước đây, mỗi trạm y tế tốn 50-70% thời gian trong ngày để viết, báo cáo dữ liệu giấy, có nơi quản lý 78 cuốn sổ. Giờ sẽ sử dụng duy nhất một phần mềm, bỏ hết sổ sách, giấy tờ ở tuyến xã. Từ tháng 1/2021 sẽ bắt đầu áp dụng trên toàn quốc, Bộ Y tế, Sở Y tế đều theo dõi được từng trạm y tế xã hoạt động.

Với nền y tế thông minh, các bác sĩ sẽ dành thời gian cho khám chữa bệnh chứ không phải cho thủ tục, giấy tờ; ngành y sẽ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đồng đều và công bằng giữa các vùng các miền. Với những giải pháp trên, kỳ vọng người Việt tuổi thọ ngày càng tăng đồng hành với sống khỏe; để tiêu chí tuổi thọ tăng được toàn vẹn, thực sự là thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng của đất nước.