Sửa sai kịp thời, lợi cả đôi đàng

(PLO) - Vụ đổi 100 đô la bị phạt 90 triệu đồng ở Cần Thơ đã khép lại vào ngày cuối tuần khi đã có quyết định chính thức trả lại cho ông chủ tiệm vàng Thảo Lực 20 viên kim cương, gần 2000 viên đá nhân tạo và 70 triệu đồng nộp phạt.
Ông Lê Hồng Lực, chủ tệm vàng Thảo Lực được trả lại kim cương, tiền phạt
Ông Lê Hồng Lực, chủ tệm vàng Thảo Lực được trả lại kim cương, tiền phạt

Đáng chú ý và cũng rất đáng ghi nhận là từ khi đặt bút ký xử phạt đến khi ký quyết định trả lại tài sản trong cả một quá trình đó được thực hiện bởi một người là Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam. Rõ ràng, ông rất có trách nhiệm với chữ ký của mình, trực diện với sự thật, trực tiếp sửa sai chứ không đùn đẩy cho một ai khác. 

Một chi tiết khác cũng hết sức đáng chú ý, khi ông ký quyết định xử phạt người thợ điện thì bị dư luận “ném đá” không thương tiếc, một tờ báo đã phanh phui lại chuyện cũ của ông ở Bộ Công Thương. Tuy nhiên, sau khi nhận khiếu nại từ ông, tờ báo này đã đính chính và xin lỗi. Với dư luận thì không thể làm như tờ báo kia nhưng chắc chắn, nhân dân đã nhìn ông bằng con mắt khác, vì nể hơn!

Có lẽ trường hợp như ông Trương Quang Hoài Nam không nhiều. Trong lĩnh vực hoạt động tư pháp thường gặp những động thái chậm trễ  trong bồi thường oan sai, dường như người ta cố thủ trong cái lô cốt được xây nên bởi sự bàng quan. Mới đây, một người lái tàu bị oan trong một vụ tai nạn đường thủy. Ông ta nhận lái tàu cho chủ tàu nhưng có việc nhà đột xuất đã giao lại tàu cho ông chủ, chủ tàu giao lại cho người khác cầm lái, xảy ra tai nạn đâm vào một chiếc tàu khác. Thế mà, ông vẫn bị buộc tội, bị tuyên án, bị giam gần 7 tháng cho đến lúc được minh oan thì lại phải kiện ra tòa đòi bồi thường. Mọi việc trong vụ án này dường như rất đơn giản, rõ ràng, sao cứ cố tình buộc tội người không có tội?

Một diễn biến khác, hàng nghìn người dân ở một xã tại Thanh Hóa ký đơn đề nghị giảm mức án cho bị cáo nguyên là Chủ tịch xã. Ông này bị khép tội với hành vi ký xác định sai nguồn gốc để dân hưởng lợi đền bù. Tuy nhiên, không có chứng cứ nào cho thấy ông làm điều đó, cũng như việc không chứng minh được ông hưởng lợi từ chuyện đó. Hàng nghìn người dân đã lên tiếng bảo vệ ông Chủ tịch xã của mình, đó là chuyện hiếm xưa nay và rất đáng để tâm xem xét. Tội đến đâu xử đến đó và hơn nữa, được lòng dân và cũng là bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật.

Sai thì sửa, càng lấp liếm, bảo thủ càng hứng búa rìu dư luận và tạo ra những hệ lụy không hay. Sửa sai cũng chính là động thái bảo vệ uy tín, danh dự của chính mình và cơ quan, ngành mình. Điều này tưởng chừng đơn giản như chân lý nhưng không phải ai cũng thực hiện được!