“Sức khỏe” pháp luật

(PLVN) - “Chính phủ Việt Nam tập trung làm tốt vai trò kiến tạo phát triển và quyết tâm hành động đổi mới, tái cơ cấu kinh tế bền vững, tự cường và chuyển đổi sang nền kinh tế số, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo hiệu quả”, đây là một trong những nội dung trong phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm 75 năm Quốc khánh vừa qua.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đúng là sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt ngưỡng nước thu nhập trung bình, nhưng thực tế còn rất nhiều khó khăn... Việt Nam đã có nhiều Nghị quyết với quyết tâm đưa nền kinh tế tránh tụt hậu, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và trở thành quốc gia công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tăng trưởng nhanh và bền vững là cực kỳ quan trọng.

Bây giờ là lúc cần có những chính sách, hành động thúc đẩy niềm tin của người dân và doanh nghiệp. Phát triển bền vững cũng đang đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi sự quan tâm lớn hơn. Vấn đề đáng lo ngại hiện nay là nhiều yếu kém đang trở thành “nút thắt” trong đó, đặc biệt trọng yếu là “nút thắt” về thể chế. Luật pháp vẫn đang được nhận diện còn không ít chồng chéo, xung đột, vướng mắc. Cơ chế của chúng ta là cơ quan hành pháp xây dựng luật pháp, cơ quan lập pháp bổ sung, thông qua. Nếu hai cơ quan không phối hợp tốt thì chưa chắc đã đảm bảo chất lượng luật tốt.

Điều đáng lo là một số bộ, ngành khi soạn thảo các văn bản pháp luật, họ không muốn thay đổi, chưa nhìn rộng ra vì lợi ích của đất nước. Bên cạnh đó, công tác triển khai, thực thi pháp luật cũng có nhiều vấn đề, thiếu quyết liệt, chưa nghiêm. Điều này không phải lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước chưa biết.

Hai năm qua, năm 2019 và năm 2020 này, phương châm hành động của Chính phủ đều có hai chữ “kiến tạo”; tuy nhiên cần thẳng thắn nhìn nhận chúng ta thiếu tư duy quản lý mang tính kiến tạo cho phát triển. Người dân vẫn rất than phiền, doanh nghiệp vẫn đang rất khốn khổ vì sự yếu kém của cán bộ các cấp, mà càng xuống thấp càng phức tạp, càng phiền nhiễu.

35 năm đổi mới đã qua cho thấy đổi mới, cải cách dù lúc này, lúc khác luôn phải đối diện với những xu hướng bảo thủ. Thành tựu đất nước sau 35 năm đổi mới là toàn diện và đáng tự hào. Tuy vậy, những thách thức cho phát triển đất nước là khá lớn, mà nguyên nhân chủ yếu là cải cách thể chế và tổ chức thực hiện.

“Sức khỏe” pháp luật, có ý nghĩa rất quan trọng. Chính vì thế yêu cầu “Phải tạo được những bước đột phá thực sự về thể chế để giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra”, là một trong các điểm nhấn trong bài viết với tiêu đề “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng./.