Tạm đóng cửa quán bar, karaoke chống dịch Covid - 19: Có giảm được 'bay lắc'?

(PLVN) - Để phòng chống dịch Covid-19, UBND một số tỉnh, thành như: Kiên Giang, Sóc Trăng, TP. Cần Thơ, Khánh Hòa, Bạc Liêu, Bình Thuận, TP HCM, Hà Nội... đã yêu cầu chủ các doanh nghiệp tạm thời đóng cửa các cơ sở massage, karaoke...
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Việc tạm dừng hoạt động các cơ sở trên dù chỉ trong thời gian ngắn với mục đích phòng chống dịch bệnh Covid-19 được đa số người dân đồng tình, ủng hộ. Người dân kỳ vọng ngoài phòng chống dịch bệnh, việc tạm dừng này có thể làm giảm thiểu tình trạng ma túy, mại dâm tại các cơ sở kinh doanh biến tướng.

Liệu việc tạm dừng hoạt động tất cả quán bar, quán karaoke có phát huy hiệu quả kép: Vừa phòng chống, ngăn ngừa dịch Covid-19 vừa giảm thiểu, thậm chí xóa được tệ nạn ma túy, mại dâm?

Đối với phòng chống dịch bệnh Covid -19, việc tạm dừng hoạt động tất cả quán bar, quán karaoke.. được coi là biện pháp đúng đắn. Bởi đây là môi trường tập trung đông người, không đối lưu không khí, thuận lợi cho dịch bệnh lây lan nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid -19 cao.

Tuy nhiên, việc dừng hoạt động tạm thời các cơ sở kinh doanh trên khó có thể triệt xóa hẳn được tệ nạn ma túy, mại dâm ẩn nấp trong đó.

Bởi theo đại diện của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, tình trạng tổ chức, chứa chấp, lôi kéo người khác sử dụng trái phép các chất ma túy tổng hợp tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, dịch vụ nhạy cảm có chiều hướng gia tăng, phức tạp.

Trong lĩnh vực này vẫn chủ yếu xử lý hình sự đối với tội danh mua bán và tàng trữ trái phép chất ma túy, xử phạt hành chính đối với chủ cơ sở và người sử dụng trái phép chất ma túy. Việc chứng minh tội phạm, đánh giá chứng cứ về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy còn gặp khó khăn.

Hiện nay, các văn bản pháp luật quy định các hoạt động này chưa đầy đủ, các quy định về điều kiện kinh doanh chưa rõ ràng. Do đó, thực tế là nhiều quán karaoke hoạt động không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đăng ký hoạt động, giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT, bị đình chỉ, tạm đình chỉ kinh doanh và xử phạt nhiều lần nhưng vẫn hoạt động. Những vi phạm này chỉ có thể xử phạt hành chính, rất khó để khởi tố hình sự.

Nhiều chủ cơ sở “vui lòng” chịu phạt để tồn tại, đồng thời làm ngơ cho khách mang ma túy vào, thậm chí còn thay đổi người đại diện pháp luật, đổi tên doanh nghiệp trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh... để đối phó lực lượng chức năng.

Đối với những dân chơi bay lắc thì theo quy định của pháp luật, người sử dụng ma túy hiện nay không bị xử lý hình sự do đó không đủ sức răn đe…

Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý, trao đổi thông tin, kiểm tra liên ngành còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, lực lượng chức năng ở các địa phương còn mỏng, kinh phí, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác còn hạn chế đã gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, đấu tranh.

Theo rà soát, hiện cả nước còn 3.879 cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, dịch vụ nhạy cảm có biểu hiện nghi vấn liên quan đến tội phạm ma túy, tập trung ở lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lưu trú (với 1.711 nhà nghỉ, khách sạn, chiếm 44,1%), karaoke (với 1.746 cơ sở, chiếm 45%).

Do đó, việc tạm thời đóng cửa, dừng hoạt động các quán bar, quán karaoke tại một số tỉnh, thành với mục đích phòng chống dịch bệnh, khiến các tệ nạn xã hội tạm thời giảm theo việc dừng kinh doanh của các cơ sở này chứ khó có thể triệt tiêu, xóa bỏ hẳn tệ nạn ma túy, mại dâm núp bóng tại đây.