Tặng quà minh bạch

(PLVN) - Một trong những câu chuyện gây tranh luận nhiều nhất thời gian gần đây là sự việc HĐND TP Hải Phòng thông qua nghị quyết với nội dung chính là sẽ tặng quà cho người dân trên địa bàn nhân kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng TP (13/5/1955-13/5/2020).
Hải Phòng thông qua nghị quyết tặng quà cho người dân trên địa bàn nhân kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng thành phố.
Hải Phòng thông qua nghị quyết tặng quà cho người dân trên địa bàn nhân kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng thành phố.

TP thống nhất phương án mỗi hộ gia đình sẽ được tặng một phần quà có giá trị không quá 500 ngàn đồng, dự kiến gồm một bộ ấm chén uống trà, một lá cờ Tổ quốc… Với gần 600 ngàn hộ dân, dự kiến tổng số tiền chi trả là 269 tỷ, trích từ nguồn ngân sách TP.

Luồng quan điểm phản đối việc làm này nêu ra khá nhiều căn cứ: Số tiền đó thay vì để tặng quà, có thể xây công trình phúc lợi, nhà tình nghĩa, lập sổ tiết kiệm cho người nghèo, hoặc làm các công trình văn hóa xã hội khác. Có ý kiến cho rằng 269 tỷ có thể hỗ trợ cho cá nhân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh để “tiền đẻ ra tiền”. Có ý kiến lại cho hay món quà không có ý nghĩa thiết thực, vì gia đình nào cũng đã có ấm chén uống trà…

Sự việc được dư luận quan tâm đến mức trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 vào ngày 3/3 vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng đã lên tiếng: “Dự định chi của Hải Phòng như vậy thuộc thẩm quyền TP và Chính phủ sẽ có ý kiến trao đổi lại”.

Về phía Hải Phòng, nơi đang gây ra câu chuyện “bùng nổ dư luận”, lại có những chính kiến bảo vệ quan điểm. Người Hải Phòng, lâu nay vẫn nhận được không ít ý kiến đánh giá là phong cách “tiếng có khi quan trọng không kém miếng”. Số tiền 500 ngàn với mỗi hộ gia đình, có thể chỉ một bữa nhậu là xong, trong khi món quà thì mãi mãi còn đó, mang giá trị tinh thần không nhỏ. Về vấn đề có “quá sức” ngân sách TP hay không, được trả lời khi tiềm lực của TP đang ở một tầm cao mới thì khoản tiền 269 tỷ vẫn đang trong khả năng cho phép.

Lập luận các bên đưa ra được đánh giá “kẻ tám lạng, người nửa cân”. Phải đến khi Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình cho biết việc tặng quà cho người dân ở Hải Phòng đã từng diễn ra với hiện vật là đường, bột ngọt; và tổ công tác khảo sát thực tiễn đã đánh giá những món quà “ăn ngay” như vậy là không phù hợp. Việc tặng bộ ấm trà và cờ Tổ quốc, theo khảo sát, được nhiều người dân đồng tình.

Dư luận được đặc biệt giải tỏa khi Hải Phòng tuyên bố Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch để lựa chọn đơn vị cung cấp quà, chứ không chỉ định thầu. “Quyết định tặng quà tới mỗi hộ gia đình trên địa bàn là một nghĩa cử cao đẹp, tiếp nối truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Hải Phòng không cho phép bất cứ ai được làm thất thoát một đồng xu, cắc bạc nào trong vụ này”. Nhiều người cho rằng với tuyên bố trên của Hải Phòng, đã có thể chấm dứt cuộc tranh luận tưởng như “bất phân thắng bại”.