“Tập đoàn thép của “bầu” Long bị cáo buộc “ép giá”: “Chúng tôi cam chịu lâu lắm rồi”

(PLO) - Đó là chia sẻ xem chừng có phần đáng thương của một ông chủ mỏ sắt lừng lẫy một thời. Các doanh nghiệp này đang vận động để thành lập hội các doanh nghiệp khai thác và chế biến quặng sắt nhằm có một tiếng nói có tổ chức để bảo vệ quyền lợi.

lHàng loạt cổ đông sáng lập đã rút tên khỏi dự án khai thác quặng sắt lớn nhất Việt Nam ở Thạch Khê, Hà Tĩnh. Với giá quặng thấp như hiện nay, chưa biết đến bao giờ mỏ sắt này mới được khai thác ổn định.
lHàng loạt cổ đông sáng lập đã rút tên khỏi dự án khai thác quặng sắt lớn nhất Việt Nam ở Thạch Khê, Hà Tĩnh. Với giá quặng thấp như hiện nay, chưa biết đến bao giờ mỏ sắt này mới được khai thác ổn định.
Nguy cơ đóng mỏ trong nước, nhập quặng nước ngoài
Trao đổi với PLVN, đại diện các doanh nghiệp cho hay họ đã có “thỉnh nguyện thư” và đăng ký làm việc với lãnh đạo Bộ Tài chính nhằm đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh giảm thuế xuất khẩu quặng sắt xuống 5% thay vì 40% như hiện nay. 
“Chúng tôi hiểu rằng chủ trương cấm xuất khẩu quặng sắt theo Chỉ thị 02/CT-TTg là nhằm giữ gìn nguồn tài nguyên khoáng sản cho sản xuất trong nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh bị doanh nghiệp thép trong nước ép giá như hiện nay, nếu không có lối thoát thì chúng tôi đều có nguy cơ phá sản, ngừng hoạt động và như vậy thì rồi các nhà máy thép lại chỉ nhập quặng nước ngoài, vừa phụ thuộc người ta, vừa tiêu tốn ngoại tệ và cũng là lãng phí tài nguyên trong nước mà thôi” – vị này nói. 
Từ lý lẽ đó, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ một mặt mở rộng hạn ngạch xuất khẩu quặng sắt, một mặt điều chỉnh giảm các loại thuế, phí nhằm tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, qua đó đảm bảo quyền lợi lâu dài của người tiêu dùng. Theo thống kê, 1 tấn quặng sắt hiện đang gánh 7 loại thuế, gồm: phí môi trường, thuế tài nguyên, thuế quyền khai thác mỏ, quỹ phục hồi môi trường, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và đặc biệt là thuế xuất khẩu 40%. “Các loại thuế này cộng lại đã chiếm 50% giá thành sản xuất” – chủ doanh nghiệp cho biết.
“Hiện số nhà máy trong nước  sản xuất gang thép từ quặng sắt chỉ đếm trên đầu ngón tay, quy mô lớn chỉ có Tổng Công ty Thép, Việt Trung, Hòa Phát và Đình Vũ. Tổng Công ty Thép và Việt Trung thì đã có mỏ của họ, Đình Vũ thì mới khởi động để vận hành, vì vậy chủ yếu chỉ bán được cho Hòa Phát. Đàm phán hợp đồng cũng có đàm phán, nhưng trong cán cân như vậy thì họ mới là bên ra đầu bài. Chúng tôi cam chịu lâu lắm rồi” – vị này trần tình. 
Khả năng không cao
Đề xuất này của các công ty khai quặng, theo tìm hiểu của PLVN thì khả năng được thông qua là không cao. 
Từ năm 2008, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 710 (ngày 22/11/2008) quy định về biểu thuế xuất khẩu và khung thuế suất đối với từng nhóm hàng chịu thuế, theo đó, khung thuế suất thuế xuất khẩu đối với quặng sắt được quy định cứng là 15-40%. Như vậy, mức thuế hiện hành đang áp dụng là mức kịch trần, còn mức sàn là 15%. Cho nên đề xuất giảm thuế xuất khẩu của các doanh nghiệp quặng sắt, cùng lắm cũng chỉ lùi từ trần về sàn, là 15%, nếu không muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải sửa Nghị quyết! 
Ngoài ra, đầu năm nay Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/2015 (ngày 03/1/2015), trong đó quy định: “Không đề xuất, ban hành chính sách mới làm giảm thu ngân sách nhà nước, trừ trường hợp cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết quốc tế”. 
Kiến nghị về nới quo-ta xuất khẩu quặng cũng khó có thể thành hiện thực vì Chỉ thị 02/CT-TTg (ngày 09/1/2012) về cấm xuất khẩu quặng sắt vẫn còn nguyên hiệu lực. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ mới vừa ban hành Chỉ thị số 03 (ngày 30/3/2015) về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản, trong đó chỉ đạo không xuất khẩu quặng thô. 
Tuy nhiên, cũng không phải không có hy vọng vì nhiệm vụ số 1 theo Nghị quyết 01/2015 của Chính phủ là tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân. 
Về cáo buộc “ép giá” các doanh nghiệp khai thác quặng sắt, trả lời khi phóng viên PLVN liên hệ phỏng vấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát (HPG), ông Trần Tuấn Dương cho biết: “Họ nói như vậy là không chính xác nhưng chúng tôi không muốn cãi nhau trên mặt báo. Họ không thể trừ thuế VAT, cước vận tải rồi nói giá trị thực  của 1 tấn quặng sắt mà Hòa Phát mua vào tại nhà máy chỉ còn hơn 800 nghìn đồng (khoảng 41 USD/tấn – PV). Thuế và cước, đó là câu chuyện của họ. Chúng tôi nhập khẩu quặng sắt, giá CIF tại cảng cũng khoảng 53 USD/tấn, tương đương giá mua quặng trong nước”.
Tuy nhiên, đem câu trả lời của ông Dương hỏi các công ty khai thác quặng, giám đốc một doanh nghiệp phản bác: “Cứ tạm chấp nhận thông tin giá CIF Hải Phòng là 53 USD vì theo tôi biết họ chỉ nhập được một lô hàng với giá đó thôi, nhưng như vậy Hòa Phát cũng đâu đã tính cước vận chuyển từ cảng về nhà máy và thuế VAT? Rõ ràng giá quặng trong nước vẫn thiệt thòi hơn nhiều”.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com