'Thể chế' không phải để 'ban ơn'

(PLO) - Có lẽ nhiều thế hệ người Việt Nam vẫn nhớ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường đã được dạy về đất nước “rừng vàng, biển bạc”. Đúng là tự hào, cảm ơn thiên tạo đã ban cho Việt Nam nhiều tiềm năng để phát triển mà không phải quốc gia nào cũng có được. 
Môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể (hình minh họa).
Môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể (hình minh họa).

Đáng tiếc là thời gian rất dài, vắt qua hai thế kỷ, người Việt Nam “đầu tư như phá”, “bóc ngắn, cắn dài” tiềm năng nên đến bây giờ đã nhận ra: rừng không còn vàng, biển không còn bạc.

Ngược với chúng ta, các nước trong khu vực, nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc, không hề có tài nguyên, họ chỉ có “tài nguyên” con người và chính sách quản trị quốc gia chuẩn xác, họ làm giàu, trở thành những quốc gia thịnh vượng nhất trên thế giới chỉ bằng con chíp điện tử.

“Làm ra của cải là một đạo lý lớn, không thể coi thường” - câu nói của Bạch Thái Bưởi đầu thế kỷ trước còn sống mãi. Không như trước đây, chính sách quản lý theo kiểu “ban ơn”, sinh ra Nhà nước có quyền “hành” DN; bây giờ chúng ta biết “kiến tạo” cung cấp dịch vụ cho DN. Đó là cả một quá trình biến đổi về lượng để thay đổi về chất.

Đặc biệt, Chính phủ đã đề ra các mục tiêu không thanh tra, kiểm tra chồng chéo (điều mà Chính phủ của Thủ tướng Phan Văn Khải đề ra trước đây); không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự; thực hiện Chính phủ điện tử; cắt giảm tối thiểu 50% các điều kiện, thủ tục hành chính… Chính phủ cũng đặt mục tiêu cải cách quan trọng là đưa Việt Nam trở thành 1 trong 3, 4 nền kinh tế có chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh thuận lợi hàng đầu trong ASEAN và hướng tới các chuẩn mực OECD. Những quyết tâm đó là nguồn cổ vũ lớn cho cộng đồng DN.

Tuy nhiên, con đường cải cách môi trường kinh doanh còn rất gian nan. Các DN tư nhân trong nước vẫn đang lép vế so với các DN nhà nước và các FDI về quy mô, nhưng lại phải chịu nhiều thiệt thòi trong tiếp cận đất đai, tín dụng cũng như mức lãi suất hợp lý. Tâm lý “con nuôi”, “con đẻ” chưa phải đã mất.

Vẫn còn tỷ lệ lớn DN phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện và “than trời” vì gặp khó khăn khi xin giấy phép. DN bị thanh tra, kiểm tra 2 lần/năm còn là con số báo động. Khảo sát về Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới cho biết, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản là cao hơn so với các nước trong khu vực. Chi phí nộp thuế ở Việt Nam lên tới hơn 39% lợi nhuận, cao nhất so với ASEAN 4; chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines. Đó thực sự là những vấn đề rất đáng quan ngại bởi nó làm giảm năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam. 

Bên cạnh đó, chi phí về logistics vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các DN ở Việt Nam. Nhiều chi phí không chính thức vẫn đè nặng lên đôi vai “gầy guộc” của DN Việt Nam. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường nhấn mạnh: “Thể chế, thể chế và thể chế”. Vâng, đừng tự mình “ném chìa khóa” đi mà kêu gào phát triển.