Thúc đẩy quyền khai sinh - Dắt trẻ ra khỏi thân phận vô hình

(PLVN) - Đứa trẻ nào cũng nuôi dưỡng ước mơ về tương lai của riêng mình: mơ làm bác sĩ, kĩ sư, cô giáo… Thế nhưng, hằng ngày, ở đâu đó xung quanh chúng ta, vẫn có những đứa trẻ tuy có tên, có tuổi, nhưng lại không được ghi nhận sự tồn tại bởi không có bất kì giấy tờ tuỳ thân hợp pháp nào. 
Bà cháu bé Thúy Vy vui mừng với giấy khai sinh của bé.
Bà cháu bé Thúy Vy vui mừng với giấy khai sinh của bé.

Thiếu giấy khai sinh, đến tuổi đi học các em không thể đến trường, ốm không được đến bệnh viện và rất nhiều chính sách phúc lợi khác mà các em xứng đáng được hưởng nhưng không thể… 

Có rất nhiều các nguyên nhân, hoàn cảnh khác nhau mà trẻ em không có giấy khai sinh như bố mẹ không biết cách làm, quá nghèo, không biết chữ, chính bố mẹ cũng không có giấy tờ tuỳ thân, nhiều em mồ côi, trẻ khuyết tật, bố mẹ bỏ đi, không rõ nguồn gốc, trẻ đường phố... Trẻ em không thể tự làm giấy khai sinh, và nhiều gia đình, người thân cũng không biết cách, hoặc không thể hỗ trợ trẻ làm giấy khai sinh khi không đáp ứng những quy trình, giấy tờ thông thường được yêu cầu bởi cơ quan chức năng. 

Những niềm vui vỡ òa

Ngày 24/10/2019, sau 5 năm chào đời, cô bé Ngô Hoàng Thúy Vy ngụ H.Bình Chánh, TP HCM vui mừng nhận được tờ giấy khai sinh để chính thức thoát khỏi cái kiếp là “chiếc bóng” biết đi, biết nói, biết khóc, biết cười, nhưng lại không bao giờ hiện hữu trong cuộc sống vì thiếu giấy tờ tùy thân. Bị xe tông gãy tay, bé Vy phải nằm viện điều trị.

Nhà nghèo, Vy không có bảo hiểm y tế do không làm được giấy khai sinh. Bà nội Vy là bà Trần Thị Tý hơn hai năm đến nhiều nơi nhưng bế tắc trong việc làm giấy khai sinh cho Vy vì người mẹ Vy bỏ nhà đi từ lúc Vy hơn 1 tuổi, mang theo cả giấy chứng sinh của con. Thêm vào đó, ba mẹ Vy không đăng ký kết hôn, ba Vy mất giấy chứng minh nhân dân.

Gia cảnh bé Vy túng thiếu, bà nội già yếu, ba sửa xe bữa đực bữa cái. Vy đi học mầm non không thể đóng tiền nguyên tháng, mà chỉ có thể đóng từng ngày, hôm nào không có tiền thì nghỉ học…

31 tuổi, chị Cao Thị Kim Nhung đã có đến 5 mặt con. Từ thuở lọt lòng, chị theo cha mẹ sống trôi nổi trên sông nước với nghề giăng lưới. Đến năm 12 tuổi, chị lên bờ định cư rồi lấy chồng, sinh con. Quãng đời sống trên ghe, chị Nhung bị mất giấy tờ tùy thân nhưng không có điều kiện làm lại. Về sau, chị được nhập hộ khẩu vào nhà chồng và đăng ký kết hôn (trễ).

Những địa chỉ giúp đỡ trẻ có giấy khai sinh

Các gia đình có hoàn cảnh khó khăn cần làm giấy khai sinh tại TP HCM có thể liên lạc các thành viên nòng cốt nhóm Trang mới cuộc đời tại các địa chỉ:  Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD); Chi hội Bảo trợ trẻ em Hóc Môn (Ceporer Hóc Môn); Tổ chức Tình nguyện Y Tâm; Tổ chức Niềm Tin; Mái ấm Truyền tin; Cơ sở BTXH Thảo Đàn; Trường Tình thương Thiên Ân; Trung tâm Trợ giúp Pháp lý Nhà nước TP HCM. 

Tuy nhiên, 3 đứa con lớn của chị là Kiệt (13 tuổi), Phương (12 tuổi), Toàn (11 tuổi) vẫn chưa làm được khai sinh. Tháng 1/2019, chứng kiến việc 3 đứa con của mình nhận giấy khai sinh, chị Nhung rất vui mừng: “Hồi đó không có giấy tờ, tui gặp rất nhiều khó khăn, không làm được gì cho ra hồn, không được học hành. Nên bây giờ tui rất vui mừng vì con mình không phải sống ngoài vòng pháp luật”...

Cô bé Thúy Vy và 3 đứa con của chị Nhung nói trên là những đứa trẻ đã được hưởng thành quả của dự án Trang mới cuộc đời - Thúc đẩy quyền được khai sinh cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại TP HCM do Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) và Trung tâm trợ giúp pháp lý TP HCM thực hiện với sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ thúc đẩy sáng kiến tư pháp (JIFF) - một hợp phần của dự án ODA “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam - EU JULE” do Liên minh Châu Âu tài trợ. 

Động lực ra đời của dự án theo chia sẻ của bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD là năm 2014, khi nghe những đứa trẻ không có giấy khai sinh tự nhận “Chúng con là người vô hình!” bà đã rất xúc động. Câu nói đó là động lực để thúc đẩy dự án ra đời. Từ năm 2014 đến tháng 5/2019, dự án đã giúp 55 trẻ có giấy khai sinh.

Từ tháng 6/2019 đến cuối năm 2019 với sự tham gia của nhiều bên liên quan, nhất là các mái ấm, nhà mở, số trẻ được làm giấy khai sinh là 55 ca, bằng con số cả giai đoạn trước thực hiện. Như vậy dự án đã giúp tổng cộng 110 trường hợp có được giấy khai sinh. Một số trường hợp đặc biệt khó khăn, dự án còn hỗ trợ tài chính: công chứng giấy tờ, chi phí đi lại xác minh, xét nghiệm ADN…

Năm học mới, dự án tăng tốc để các em kịp có giấy khai sinh đi học

Trong thời gian 6/2019 – 10/2020, dự án tiếp tục nhận sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ thúc đẩy sáng kiến tư pháp (JIFF) - một hợp phần của Dự án ODA “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam – EU JULE” do Oxfam và Liên minh Châu Âu để hỗ trợ làm giấy khai sinh cho hơn 100 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại TP HCM. 

Ngày 23/8 vừa qua, MSD phối hợp với Chi hội Bảo trợ trẻ em Hóc Môn (Ceporer Hóc Môn) tổ chức sự kiện truyền thông “Trang mới cuộc đời – Khai sinh tương lai cho em” trong khuôn khổ dự án “Trang mới cuộc đời (A new page life)” - Dự án Thúc đẩy quyền được khai sinh cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại TP HCM.

Thông tin tại sự kiện cho biết, tới nay, dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng dự án Trang mới cuộc đời đã trao giấy khai sinh cho 74 trẻ em và đang tiếp nhận, hỗ trợ hơn 30 trường hợp làm giấy khai sinh khác nữa. Trước thềm năm học mới 2020 – 2021, dự án đang tăng tốc để hỗ trợ cho các em kịp có giấy khai sinh, làm thủ tục và nhập học. 

Bà Trương Nguyễn Bảo Trân quản lý khu vực phía Nam, Viện MSD cho biết, dự án đang chuẩn bị một đợt truyền thông và gây quỹ mới vào tháng 9 năm nay để tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ cho các trẻ em và gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong giai đoạn tiếp theo 2020 – 2021. Hy vọng rằng, với sự chung tay góp sức của các đơn vị, các nhà hảo tâm cũng như cộng đồng, dự án có thể được tiếp tục và mở rộng, để không trẻ em nào phải sống như chiếc bóng, để các em được công nhận và hưởng những quyền lợi của một công dân thực thụ. 

Vốn là một người lớn lên từ một khu ổ chuột của Sài Gòn với tuổi thơ thăng trầm, Rapper Wowy Nguyễn – người cam kết đồng hành với dự án Trang mới cuộc đời, để có thể hỗ trợ ngày càng nhiều hơn các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có “tấm hộ chiếu vào đời” chia sẻ: “Wowy lớn lên từ một khu ổ chuột của Sài Gòn với tuổi thơ thăng trầm, Wowy cảm nhận được trẻ em nói chung và các bé có hoàn cảnh đặc biệt rất cần sự quan tâm, yêu thương và định hướng tương lai cho các em. Wowy chỉ muốn là một phần nhỏ góp sức của mình nói lên tiếng nói từ góc nhìn của Wowy, cùng các anh chị trong tổ chức tạo ra một việc làm ý nghĩa chung mang ảnh hưởng to lớn, giúp các em có thể có quyền trẻ em của mình, đó là điều mà các em xứng đáng được có”. 

Cần linh động giải quyết để trẻ có giấy khai sinh

Ngày 19/1/2029, tại buổi Hội thảo “Trang mới cuộc đời - Làm giấy tờ tùy thân cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn” do MSD tổ chức tại TP HCM, anh Nguyễn Hồng Phúc (34 tuổi) bộc bạch rằng anh từng rơi vào cảnh không có giấy tờ tùy thân. Sau đó, anh may mắn được làm khai sinh trong một mái ấm.

Hiện tại trong vai trò nhân viên công tác xã hội, anh trăn trở: “Tôi gặp nhiều trường hợp như mẹ sinh con xong trốn khỏi bệnh viện do không có tiền đóng viện phí, đến khi quay lại trích lục rất nan giải. Rồi những trường hợp mẹ đi tù, để con lại cho ông bà ngoại nuôi. Chúng tôi đến phường năm lần bảy lượt, nhưng họ đòi hỏi phải đợi người mẹ đi tù về thì mới làm giấy khai sinh cho đứa trẻ. Trong khi đó, người mẹ thụ án ma túy mười mấy năm, như vậy đứa trẻ phải đợi chừng ấy năm mới được giải quyết sao?”.

Là người giúp đỡ nhiều “ca khó” có được giấy tờ tùy thân, ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước TP HCM, chia sẻ kinh nghiệm, vào khoảng năm 2015, ông tiếp nhận một trẻ 15 tuổi ở Q.Gò Vấp không được cấp giấy khai sinh. Bên nội, bên ngoại của em có hộ khẩu nhưng cha mẹ không đăng ký kết hôn.

Đặc biệt, người mẹ đang thụ án 20 năm tù ở Trại giam Thủ Đức Z30D (Bộ Công an) đóng ở Bình Thuận. Sau khi tìm hiểu thông tin, ông làm công văn đồng thời trực tiếp đến trại giam để làm việc với ban giám thị và xác minh vụ việc. Rốt cuộc, đứa trẻ cũng được cấp giấy khai sinh...

Ông Đạt nhấn mạnh: “Khai sinh là quyền của trẻ em, chứ không phải đợi người mẹ đi tù về rồi mới có khai sinh!”. Theo ông Đạt, đối với trường hợp những người mẹ trốn viện, không trích lục được giấy chứng sinh thì cần phải làm thủ tục kê khai và cam đoan về sự việc. Khi đó, trách nhiệm xác minh thuộc về UBND phường, xã.