Thực hiện “bốn không”

(PLVN) - Một trong những “dấu ấn” của nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng là công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN).
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Từ năm 2016 đến nay, công tác PCTN đã có bước tiến mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất quan trọng. Phải nói rằng, công cuộc PCTN của Đảng ta do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, từng bước kiềm chế, tiến tới ngăn chặn nạn tham nhũng; góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tạo niềm tin đối với quần chúng nhân dân, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Điểm khác biệt là từ Đại hội XII trở về trước chỉ nói “ba không” trong PCTN, lãng phí là không thể, không dám và không cần; lần này, dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII đặt vấn đề “bốn không”, ngoài “ba không” như lâu nay có thêm “không muốn” tham nhũng.

Thực tế có những cán bộ có chức, có quyền, nhà cao cửa rộng vẫn cứ tham nhũng. Tại sao? Điều này chỉ có thể lý giải bằng “chủ nghĩa vật chất” đã làm họ thoái hóa biến chất.

Từ thực tế của Việt Nam và thế giới, dự thảo văn kiện bổ sung yếu tố “không muốn”, tức là phải giáo dục, tạo ra ý thức không muốn tham nhũng. Đây cũng là điểm mới đáng chú ý trong công tác xây dựng Đảng. Điều này được thể hiện trong dự thảo văn kiện: “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức”.

Theo ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam,  “không muốn” tham nhũng chỉ có được ở một con người khi đã đạt tới trình độ văn hóa chín muồi, một loại ý thức cao cấp. Điều đó có nghĩa, PCTN cũng là cuộc chiến đấu vì văn hóa.

Muốn “không thể” tham nhũng, nhiệm vụ đặt ra là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để không có kẽ hở để người ta lợi dụng tham nhũng. “Không dám” tham nhũng là tiếp tục tinh thần mạnh hơn như khóa XII đã làm là PCTN “không có vùng cấm, không có ngoại lệ và không ngừng nghỉ”. Còn “không cần” tham nhũng là phải cải cách tiền lương, đảm bảo cuộc sống cho cán bộ để họ yên tâm làm việc, không cần tham nhũng. Tất nhiên, “bốn không” có quan hệ mật thiết, không tách rời.

Nhân dân hy vọng, nhiệm vụ PCTN không chùng xuống, không phải chỉ trừng trị người tham nhũng mà quan trọng hơn để mọi nguồn lực của đất nước không bị xà xẻo, đục khoét, khơi dậy niềm tin và khát vọng vì một nước Việt Nam hùng cường. Người dân hy vọng ở Đại hội XIII của Đảng và có đủ cơ sở để tin tưởng.