Thủy điện nhỏ, công hay tội?

(PLVN) - Chỉ đến khi xảy ra sự kiện bi thảm đoàn cán bộ hy sinh khi đi cứu hộ những người gặp nạn tại công trình thủy điện, rất nhiều người mới biết đến những cái tên Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 ở những nơi rừng xanh núi đỏ đi cả ngày trời chưa tới. Cuộc tranh luận thủy điện có công hay có tội một lần nữa lại nổ ra.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Luồng ý kiến phản đối cho rằng thủy điện ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên, phải di dân, định canh định cư và việc đấu nối nhà máy vào điện lưới quốc gia rất khó khăn, hồ chứa nước nguy cơ gây ngập lụt mỗi khi xả lũ...

Luồng ý kiến ủng hộ thì cho rằng thủy điện với giá thành rẻ đã góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các thủy điện đã tạo nhiều việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển đất nước. Không làm thủy điện, thì lấy đâu ra điện đủ dùng?

Không chỉ cá nhân, mà về phía các địa phương, cũng cho thấy có những quan điểm khác nhau về thủy điện nhỏ. Trong khi một số tỉnh vẫn cho thực hiện thủy điện, thì vừa mới đây, Khánh Hòa thẳng thắn loại bốn thủy điện khỏi quy hoạch.

Hai năm qua, nhiều DN đề nghị Khánh Hòa cho phép lập đồ án, đầu tư làm thủy điện nhỏ. Qua nhiều lần khảo sát, nghiên cứu, tỉnh thấy đa phần dự án không hiệu quả, tác động xấu môi trường, nên từ chối, không phát triển thêm thủy điện. Dự án thủy điện khi triển khai chiếm dụng nhiều đất rừng, phải thu hồi nhiều loại đất (trung bình 1 MW thủy điện nhỏ và vừa thu hồi khoảng 7,4 ha đất các loại), ảnh hưởng môi trường tự nhiên, ảnh hưởng xấu đến nguồn nước sinh hoạt.

Vậy tóm lại thủy điện có lợi hay có hại?

Ngược thời gian 7 năm trước, trên diễn đàn Quốc hội, nhiều Đại biểu Quốc hội đã từng thẳng thắn đề nghị đã đến lúc cần “đoạn tuyệt với thủy điện nhỏ” vì “được không bằng mất”. Số liệu ở thời điểm đó đưa ra đã “gây choáng” khi cho thấy cả nước có 1.239 dự án thủy điện với chỉ 130 dự án trên 30 MW, trong khi 1.109 dự án dưới 30 MW. Từ năm 2006 tất cả các thủy điện nhỏ đều giao cho các địa phương phê duyệt quy hoạch và có khoảng 65% dự án thủy điện nhỏ là do địa phương quyết định xây dựng. “Loạn” thủy điện vì lý do đó.

Nghị quyết số 62/2013/QH13 của Quốc hội sau đó đã nêu rõ thực trạng: Công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện còn nhiều hạn chế. Chất lượng quy hoạch và quyết định đầu tư xây dựng các thủy điện vừa và nhỏ chưa đáp ứng đầy đủ mục tiêu, yêu cầu về bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên nước và hiệu quả tổng hợp kinh tế - xã hội.

Nghị quyết của Quốc hội còn chỉ đích danh: Tại một số công trình thủy điện, việc quản lý chất lượng xây dựng, bảo đảm an toàn vận hành khai thác, thực hiện quy trình vận hành hồ chứa, điều tiết nước chưa tuân thủ nghiêm quy định, gây tác động tiêu cực. Đất rừng được chuyển đổi mục đích phục vụ công trình thủy điện chưa được quản lý chặt chẽ, có nơi còn lợi dụng khai quang rừng với quy mô lớn hơn so với yêu cầu, khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép.

Nghị quyết của Quốc hội sau 7 năm ban hành đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Câu trả lời đến đây cũng đã rõ: Tự thân thủy điện không có tội hay có công; mà do người có thẩm quyền quyết định đầu tư, thực hiện, giám sát, vận hành có đúng quy định pháp luật, có khoa học hay không.