Tiền mất tật mang vì xuất khẩu lao động qua 'cò'

(PLO) - Thời gian qua, tình trạng đi xuất khẩu lao động qua “cò” nhưng sang đến nước ngoài mới biết mình bị lừa khiến không ít người dân thay vì đổi đời lại mang về cục nợ. 

Nộp tiền để đi một nơi nhưng lại đến… một nẻo ?

Tìm đến Báo PLVN, anh Trần Bình Nguyên trình bày, tháng 8/2015 Nguyên đăng ký học nghề tại Trung tâm dạy nghề và ngoại ngữ Forward TNHH tại Nghệ An (Trung tâm Forward Nghệ An) để đi xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Anh Trần Binh Nguyên với hành trình đi đòi lại số tiền đóng cho Nguyễn Xuân Tiến để đi XKLĐ tại Đài Loan
Anh Trần Binh Nguyên với hành trình đi đòi lại số tiền đóng cho Nguyễn Xuân Tiến để đi XKLĐ tại Đài Loan

Sau 4 tháng học tập, Nguyên được ông Nguyễn Xuân Tiến - là người dạy định hướng cho người lao động (NLĐ) thông báo có đơn hàng sang Đài Loan và hướng dẫn ra Hà Nội khám sức khỏe, ký đơn hàng với Cty Công Long (tại Đài Bắc, Đài Loan) với ngành nghề thao tác máy, sản xuất kim loại. Sau đó, thầy Tiến yêu cầu Nguyên nộp 1000 USD để làm thủ tục xuất cảnh, có phiếu thu. 

Ngày 3/2/2016, ông Tiến yêu cầu Nguyên nộp thêm 5.300 USD và mang theo 1,5 triệu đồng để làm phí đưa đón sân bay. Ngày 17/2/2016, Nguyên được Cty Sao Việt đón đưa ra sân bay làm thủ tục xuất cảnh sang Đài Loan. Đến Đài Loan được người môi giới đón và đưa đến văn phòng môi giới Đài Trung làm thủ tục nhập cảnh, sau đó đưa Nguyên đến xưởng làm việc.

“Sau vài lần thấy cơ quan chức năng sở tại kiểm tra nhân sự, thấy mình giống như lao động chui dù có hợp đồng hẳn hoi, tôi gọi cho đường dây nóng nhờ hỗ trợ và đảm bảo quyền lợi. Sau khi làm việc với môi giới Đài Loan và Việt Nam, hai bên thống nhất chấm dứt hợp đồng. Về nước Cty Sao Việt sẽ trả cho tôi 4.500 USD, vé máy bay được chủ lao động đài thọ”, đơn của Nguyên nêu. 

Khi về Việt Nam, Cty Sao Việt trả 4.500 USD còn 500 USD tiền chống trốn, tiền chênh lệch thì Cty yêu cầu làm việc với người giới thiệu. Đến Trung tâm Forward Nghệ An thì ông Tiến cho biết đơn hàng đó giá 6.300 USD nên không được trả lại.

Mạo danh thầy giáo, tự ý lập phiếu thu tiền ngườ i lao động

Tại hai phiếu thu của Nguyễn Xuân Tiến viết cho Nguyên có một phiếu thu 1000 USD được đóng dấu treo của Trung tâm Forward Nghệ An, một phiếu không có dấu nhưng Tiến là người ký nhận tiền. Đến Trung tâm Forward Nghệ An hỏi thì được biết Tiến không phải là người của Trung tâm.

Phiếu thu do Nguyễn Xuân Tiến ký có đóng dấu treo của trung tâm khác cấp cho người lao động
Phiếu thu do Nguyễn Xuân Tiến ký có đóng dấu treo của trung tâm khác cấp cho người lao động

Sau nhiều lần đòi tiền thì Tiến cho rằng đơn hàng này là 6.300 USD, không có tiền đặt cọc, gia đình muốn kiện đến đâu thì kiện hoặc nhận lại 200 USD. Trần Bình Nguyên còn cung cấp một hợp đồng lao động số 10/XKLĐ-ĐL, ngày ký là 25/1/2016 do Tiến đưa thể hiện Cty Đào tạo nghề, xuất nhập khẩu chi nhánh Tổng Cty Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp quốc phòng (GEAT - bên đưa đi) thỏa thuận và ký kết với Trần Bình Nguyên đi làm việc tại Cty Minh Dương (Khu chế xuất Bình Đông – Bình Đông – Đài Trung – Đài Loan) thời hạn 3 năm. Tổng chi phí là 87,492 triệu đồng. Tuy nhiên, bản hợp đồng này chỉ có chữ ký và con dấu của giám đốc Nguyễn Xuân Quảng mà không có chữ ký của Nguyên. 

Theo anh Nguyên, đây là hợp đồng Trần Xuân Tiến gửi cho gia đình trước khi bay với mục đích gia đình muốn vay ngân hàng, dù giữa Nguyên và Cty GEAT không hề hợp tác với nhau. Trao đổi với ông Tiến, ông cho biết mình là Trưởng văn phòng đại diện của Cty GEAT tại Nghệ An; Cty GEAT có phối với  Trung tâm dạy ngoại ngữ Forward Vinh để giáo dục định hướng cho NLĐ trước khi đi XLKĐ.

Ông Tiến thừa nhận, là chỗ quen biết nên gửi Nguyên vào học tại Trung tâm là học “chui” không được cấp tín chỉ nghề; Tiến cũng thừa nhận đã nhận 6.300USD của Nguyên để giúp Nguyên đi XKLĐ. Tiến cho biết: “Tiền thu của Nguyên tôi chuyển về cho Cty Sao Việt, đơn hàng đưa Nguyên đi XKLĐ sang Đài Loan là 5.600 USD nhưng tôi thu 6.300USD để lo chi phí thủ tục giấy tờ cho tôi và hai người môi giới khác”. 

Thanh minh việc sử dụng phiếu thu của Trung tâm Forward Nghệ An cấp cho Nguyên là chỉ để xác nhận với gia đình, ông hết phiếu thu nên “mượn tạm”, Tiến không phải là người của Trung tâm. Ông Tiến cũng thừa nhận, hợp đồng lao động giữa Nguyên và GEAT là hợp đồng khống để “làm tin” cho gia đình cũng như hợp thức hồ sơ vay vốn ngân hàng nếu có nhu cầu.

Liên hệ qua số điện thoại thể hiện trong hợp đồng của Cty GEAT có địa chỉ tại số 16/92 Nguyễn Sơn – Long Biên – Hà Nội thì một phụ nữ tự xưng tên Nhàn – Phó phòng Kế hoạch – Thị trường khẳng định, từ năm 2016 anh Tiến không phải là người đại diện của Cty tại Nghệ An. “Lao động Nguyên không có tên trong danh sách xuất cảnh của cty…”, bà Nhàn cho biết.

Còn vị Giám đốc Trung tâm Forward Nghệ An rất ngạc nhiên về việc xuất hiện hai phiếu thu của đơn vị mình: “Phiếu thu của trung tâm chỉ được cấp cho kế toán, ông Nguyễn Xuân Tiến không phải là người của trung tâm mà sử dụng phiếu thu trên là sai”. Kiểm tra hồ sơ học viên Trần Bình Nguyên thì ông  Phúc cho biết không có tên trong danh sách đào tạo. 

Nhiều lần đòi tiền bất thành, Nguyên đã gửi đơn đến nhiều cấp chính quyền nhưng không được ai trả lời.

Trao “mộng đổi đời” qua “cò”

Lấy nhau chưa đầy 10 năm, vợ chồng anh Bùi Đình Thực (trú tại xã Xuân Hồng, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) sinh được bốn mặt con, cuộc sống khó khăn trông chờ vào mấy sào ruộng và tiền làm thuê làm mướn. Thấy bạn bè đi XKLĐ có “của ăn của để”, tháng 4/2015, thông qua một người bạn, anh Thực được giới thiệu đến một Trung tâm tư vấn XKLĐ ở TP.Vinh liên hệ sang Canada. Số tiền đặt cọc là 650 triệu đồng, anh đã cầm cố 2 căn nhà của mình và bố mẹ, vay mượn anh em để hiện thực mong muốn “đổi đời”.

Anh Nguyễn Đình Thực ôm cục nợ khi xuất ngoại sang Suminame
Anh Nguyễn Đình Thực ôm cục nợ khi xuất ngoại sang Suminame

Oái ăm thay, đơn hàng bị gác lại, sau nhiều tháng chờ đợi anh đành  rút tiền về trả ngân hàng cùng với số tiền lãi suất hơn 30 triệu đồng. Tình cờ nhận được điện thoại của ông Nguyễn Văn Quý (trú tại phường Vinh Tân, TP.Vinh, Nghệ An) hỏi có muốn đi XKLĐ nữa không. Người này giới thiệu XKLĐ tại Suriname (đất nước tại Nam Mỹ) trong 24 tháng với lương 1.200 USD/tháng, chi phí cho cả chuyến đi là 11.500USD. 

Dù sợ phải ôm nợ do đơn hàng bị hủy như lần trước, nhưng được gia đình động viên nên anh Thực quyết liều thêm lần nữa. Gom đủ 30 triệu đồng đặt cọc cho ông Quý nhận về một tờ giấy ghi nợ viết tay, hẹn 15 ngày xuất cảnh.

Sau vài ngày, anh nhận được điện thoại của người phụ nữ tên Hoa (trú tại xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) về việc đi XKLĐ của anh. Theo bà này thì anh Thực muốn đi thì chuẩn bị 10.000 USD để làm tiền đặt cọc cũng như lệ phí. Tìm đến nhà bà Hoa thì được bà này đưa cho xem các giấy tờ như: Thẻ thuyền viên, Visa, hợp đồng lao động… tất cả đều mang tên anh. Trong đó hợp đồng lao động hầu hết là bằng tiếng nước ngoài, chỉ có mấy dòng chữ Việt ghi thời gian làm việc là 24 tháng, lương 1.200USD. 

Anh Thực yêu cầu viết giấy nhận tiền và đi bằng đường chính ngạch chứ không đi theo kiểu chui bằng hộ chiếu du lịch, bà Hoa không đồng ý nên anh điện thoại cho ông Quý thì bị ông này dọa không đi thì mất 30 triệu đồng. Sau đó bà Hoa viết giấy nhận tiền với nội dung: “Ngày 18/5/2015, tôi đã nhận của anh Bùi Đình Thực số tiền 10.000 USD. Kể từ ngày nhận tiền sau 3 tuần, nếu không bay được tôi xin trả lại số tiền đã nhận của anh Thực. Nếu tôi sai sót tôi chịu hoàn toàn trước pháp luật” và ký tên vào. 

Vỡ mộng trên đất khách, về nước ôm nợ

Đến ngày 24/5, anh cùng 5 người nữa tại xã Xuân Liên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) ra sân bay Nội Bài làm thủ tục xuất cảnh với hồ sơ đi XKLĐ bằng nghề đánh cá. Sau ba chặng bay liên tục trong 24 tiếng đồng hồ mới đến Suriname.

Tuy nhiên, khi vừa đặt chân xuống sân bay thì cảm giác hụt hẫng, bất ngờ bởi hình ảnh đất nước giàu có, sôi động như lời bà Hoa quảng cáo chẳng thấy đâu; thay vào đó là khung cảnh tồi tàn, nhếch nhác, đời sống người dân nơi đây hết sức khó khăn. Anh Thực và những người khác gặp ông Nguyễn Văn Hiền (chồng của bà Hoa) người này đã thu hết hợp đồng lao động, thẻ thuyền viên và bảo là để làm thủ tục đi đánh cá ngoài biển.

Sau một tuần chờ đợi thấy nhiều người Việt đến tìm ông Hiền đòi tiền và xin được đi làm; dò hỏi thì họ cho biết là “bị lừa sang đây không có việc làm”. Bất ngờ hơn, sau đó ông Hiền tuyên bố: “Từ giờ, bây (chúng mày) tự đi kiếm việc mà làm chứ chủ tàu không nhận nữa”.

Không nơi ở, không việc làm, không có gì trong tay anh Thực lang thang mong gặp được người quen. May thay, sau hơn 1 ngày Thực gặp được anh Mạnh (người Cửa Lò, Nghệ An) và được giới thiệu vào làm tại một công trường xây dựng; sau 10 ngày công việc nặng nhọc với tiền công 40 USD/ngày, anh bị đuổi việc.

Sau khi tiêu hết tiền, anh gọi về cho vợ mượn 2.000 USD gửi sang và vay thêm 1.000 USD của người bạn mua vé máy bay hết 2.800 USD về nước. Về đến nhà, gọi điện thoại cho bà Hoa đòi tiền đặt cọc, nhưng bà này không trả lời; đến tận nhà thì được bà này trả cho 1.000 USD và 3 triệu đồng rồi hẹn trả số tiền còn lại sau. Tuy nhiên, sau nhiều lần hứa hẹn bà Hoa tuyên bố hết trách nhiệm với anh Thực, gọi điện cho ông Quý đòi 30 triệu đồng đặt cọc nhưng ông này cho biết đã đưa cho bà Hoa…

Không có dấu hiệu phạm tội ?

Không còn biết kêu ai, anh Thực gửi đơn đến Công an TP. Vinh tố cáo việc làm của bà Hoa và ông Quý. Ngày 20/6/2016, Công an TP.Vinh gửi thông báo cho anh với nội dung: Qua xác minh, ông Quý và bà Hoa đã làm thủ tục cho ông Thực đi XKLĐ tại Suriname như đã thống nhất giữa ông Thực với ông Quý và bà Hoa. Do đó, nội dung ông tố cáo ông Quý và bà  Hoa không có dấu hiệu tội phạm.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Thúy, Trưởng phòng Lao động việc làm (Sở LĐTB&XH Nghệ An), ông Thúy cho hay, hiện chưa có một doanh nghiệp nào thực hiện việc đưa người đi XKLĐ sang đất nước Suminame. Việc anh Thực thỏa thuận đi XKLĐ sang Suminame với bà Hoa và ông Quý Sở không nhận được. Công dân không đồng ý với thông báo trả lời của CQĐT đã đến nhờ tư vấn, Sở đã trả lời và hướng dẫn công dân gửi đơn ra tòa và công an. 

Đại úy Võ Thế Quyết, Đội trưởng Đội điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (Công an TP.Vinh) cho biết, trong giấy tờ giao dịch thì bà Hoa nhận tiền và cam kết sẽ làm thủ tục đưa anh Thực đi sang Suminame trong thời gian nhất định, nếu không thì sẽ trả lại tiền. Thực tế, bà Hoa đã thực hiện theo đúng những cam kết trong giấy nhận tiền và anh Thực đã sang đến đất nước Suminame. Còn thực tế, quá trình giao dịch bằng miệng về những hứa hẹn sang Suminame sẽ có công ăn việc làm hay như thế nào đó thì CQĐT không nắm được và cũng không có tài liệu thể hiện. 

Sau khi nhận được đơn tố cáo, CQĐT đã mời các bên lên làm việc, ông Quý thừa nhận đã nhận 30 triệu đồng tiền cọc và giao lại cho bà Hoa. Bà Hoa cũng nhận là nhận 30 triệu đồng từ ông Quý và 11.000USD từ anh Thực. Theo bà Hoa, bà đồng ý nhận số tiền trên để làm thủ tục cho anh Thực đi sang nước Suminame.

Cũng theo Đại úy Quyết: “Bà Hoa đưa anh Thực đi có thẻ thuyền viên, visa và hợp đồng lao động, đi theo đường chính ngạch không phải đi chui. Xem xét hồ sơ không thấy dấu hiệu vi phạm tội nên đã hướng dẫn công dân gửi đơn sang TAND để giải quyết vụ việc…”. 

 Còn rất rất nhiều nạn nhân khác nữa cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi gửi số phận của mình cho “cò  lao động” mà không hề biết họ không có chức năng, nhiệm vụ đưa người đi XKLĐ. Để rồi, khi bị lừa mới tỉnh ngộ ra, và dai dẳng những tháng ngày đi đòi tiền đặt cọc với số tiền lãi suất ngân hàng mỗi tháng…