Tiếp vụ “Nhức nhối nạn BOT thôn tại Hải Dương”: Núp bóng “bảo vệ đường sá” để chiếm đoạt tiền xe qua lại

(PLO) - Sau khi PLVN có bài phản ánh về tình trạng một số đối tượng lập barie thu tiền xe qua lại, giữa tháng 5/2018, các “trạm BOT thôn” trái phép này đã lập tức “biến mất”. Dù thực tế cho thấy các đối tượng đã nhận ra sai sót nên mới lập tức dừng lại hành vi sai trái này, tuy nhiên câu chuyện là làm sao để những hành vi này không còn tái diễn. 
Một trạm “BOT thôn” trước khi được tháo dỡ
Một trạm “BOT thôn” trước khi được tháo dỡ

Sở Giao thông: “Sai quy định pháp luật”

Trước đó, như PLVN đã phản ánh, ngày 27/2/2018, anh Phạm Văn Mười (SN 1981, ngụ thôn Bình Dương, xã Cổ Bì, huyện Bình Giang, Hải Dương) trong lúc đi làm, nhận được tin con gái bị đau bụng cần đưa đi cấp cứu. Lo lắng cho con, anh vội lái ô tô về. Nhưng khi về đến đầu làng, anh bị trạm barie thôn chặn lại. Đợi khoảng 10 phút không thấy ai ra mở barie, anh xuống xe dùng dao cắt dây thừng để mở barie cho xe đi qua. Sau đó, chủ barie đã đến tận nhà anh Mười mắng mỏ. Tại đây hai bên tiếp tục có lời qua tiếng lại với nhau và anh Mười đã xô ngã chủ barie. Công an xã triệu tập anh Mười lên làm việc và lập biên bản về hành vi “gây rối trật tự công cộng” khiến anh Mười rất bức xúc.

PLVN đã vào cuộc tìm hiểu và được biết việc lập trạm barie ở xã Cổ Bì diễn ra từ lâu. Tại thôn Bình Dương, trạm barie được lập từ năm 2007. Việc lập trạm đã được lãnh đạo thôn “xin ý kiến cấp xã”. Mức thu phí được thôn “quy định” và trình lên xã, được “phê chuẩn” bằng miệng, không có văn bản. Sau đó, thôn tổ chức “đấu thầu”, ai “trúng thầu” sẽ được thôn ký kết hợp đồng giao phụ trách thu phí và mở barie.  Mỗi năm, người trúng thầu sẽ phải nộp một số tiền nhất định về thôn để tu sửa, bảo trì đường, số còn lại người đó sẽ được hưởng. 

Trao đổi với PLVN, ông Phạm Văn Phượng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hải Dương cho biết, tại Điều 8 Luật Giao thông đường bộ quy định rõ về các hành vi bị nghiêm cấm như: Đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; đặt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường; để trái phép vật liệu, phế thải, rác thải ra đường; mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính; lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ… Như vậy việc lập trạm barie thu phí tại các thôn ở xã Cổ Bì là sai quy định pháp luật.

Theo Quyết định 03/2016/QĐ-UBND ban hành Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Hải Dương, tuyến đường trên thuộc đường do cấp xã quản lý, vì vậy trách nhiệm cũng như việc xử lý vi phạm là do xã giải quyết. “Trường hợp này phải lập tức dừng ngay việc hoạt động của các trạm barie và thu hồi số tiền đã thu phí, sung vào ngân sách nhà nước. Nếu xã muốn bảo vệ đường thì họ có thể yêu cầu lắp biển cấm xe trọng tải bao nhiêu tấn vào đường. Nhưng tuyệt đối không được phép lập trạm để thu phí”, ông Phượng nhấn mạnh.

Bản hợp đồng ký kết giữa thôn và người “trúng thầu” về việc “đấu thầu” thu tiền xe vào làng ở xã Cổ Bì.
Bản hợp đồng ký kết giữa thôn và người “trúng thầu” về việc “đấu thầu” thu tiền xe vào làng ở xã Cổ Bì.

Cán bộ xã thiếu trách nhiệm

Trở lại với chính quyền xã, sau khi sự việc được PLVN phản ánh, ông Nguyễn Văn Suất, Chủ tịch UBND xã Cổ Bì cho rằng “xã không có chủ trương hay chỉ đạo trong việc lập trạm barie ở các thôn. Sự việc của anh Mười xảy ra, xã mới nắm bắt được tình hình”. 

Trước câu hỏi các trạm barie được lập và thu phí đã lâu, tại sao sống ở địa phương, lãnh đạo và cán bộ xã lại không nắm bắt được, vậy trách nhiệm của xã ở đâu, ông Suất cho rằng: “Xã chỉ biết các thôn lập trạm barie là để bảo vệ đường, thu phí của những xe có trọng tải lớn vào đường. Bao năm qua do không thấy ai phản ánh hay có ý kiến gì về việc này nên cũng không để ý”. 

PV tiếp tục hỏi, số tiền thôn thu phí được từ các trạm barie có được báo cáo chi tiết về xã qua các năm hay không, ông Suất cho rằng “công việc ở xã bận rộn nên không nắm rõ”. Về sự việc của anh Mười, ông Suất thừa nhận trách nhiệm quản lý giao thông trên địa bàn của xã chưa được sâu sắc. Tự nhận trách nhiệm, ông Suất cho rằng: “Sự việc này chưa phải là lớn lắm. Nhưng chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để ổn định tình hình địa phương”.  

Trước đó, trao đổi với phóng viên, ông Phạm Đức Nhu, trưởng thôn Bình Dương, xã Cổ Bì cho biết, thôn lập trạm barie từ năm 2007. Thôn có tổ chức đấu thầu, người trúng thầu sẽ được thôn ký kết hợp đồng giao phụ trách thu phí và mở barie. Mỗi năm, người trúng thầu sẽ phải nộp một số tiền nhất định về thôn để tu sửa, bảo trì đường, số còn lại người đó sẽ được hưởng. Theo ông Nhu, số tiền nộp về thôn, sẽ được thôn công bố trong “Báo cáo thu – chi” của thôn qua các năm. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, số tiền này không hề được thể hiện trong báo cáo thu – chi như ông Nhu thông tin. Cụ thể, tại báo cáo thu – chi tổng hợp quy hoạch năm 2014 – 30/9/2015 của thôn Bình Dương, dù các khoản thu – chi rất chi tiết nhưng không có mục nào đề cập đến việc thu, sử dụng tiền từ trạm barie.  

Những chứng cứ trên cho thấy việc lập các trạm barie không phép, tổ chức “đấu thầu” một cách có bài bản để chọn ra người “thầu” trạm barie không phải là việc làm để bảo vệ đường, mà là cách để trục lợi cho cá nhân, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Anh Mười và dư luận địa phương thông qua Báo PLVN, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương vào cuộc điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm, bảo đảm luật pháp được tuân thủ.