Tính mạng con người là trên hết

(PLVN) - Mưa lũ miền Trung đang có những diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 13/10, mưa lũ ở các tỉnh miền Trung đã làm 28 người chết, 12 người mất tích; hơn 130.000 ngôi nhà bị ngập nước...
Nhóm công nhân bị thương tại Thủy điện Rào Trăng 4 ở Thừa Thiên Huế được đưa đến bệnh viện Bình Điền.
Nhóm công nhân bị thương tại Thủy điện Rào Trăng 4 ở Thừa Thiên Huế được đưa đến bệnh viện Bình Điền.

Cũng vì mưa lũ mà sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế), gây thêm thiệt hại về người và tài sản. Trước sự cố này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Trưởng ban BCĐ Trung ương về phòng chống thiên tai, Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Tư lệnh Quân khu 4 khẩn trương tập trung chỉ đạo các lực lượng, phương tiện cần thiết, phù hợp để tổ chức tìm kiếm, cứu nạn kịp thời các nạn nhân bị vùi lấp; lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn phải bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện và khẩn trương khắc phục sự cố.

Trong khi chúng ta đang tập trung khắc phục hậu quả thì bão số 7 đang rình rập. Tổng cục Phòng chống thiên tai cho rằng, hiện nay toàn bộ miền Bắc, miền Trung đang trong tình thế thiên tai cực kỳ nguy hiểm.

Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền các địa phương đang nỗ lực hết mức để khắc phục hậu quả mưa lũ, đối phó với cơn bão số 7 đang hiện hữu với tinh thần con người phải được bảo vệ, thiệt hại phải được giảm thiểu. Phong trào “lá lành đùm lá rách” trong cộng đồng, đó là truyền thống nhân ái, đạo lý “thương người như thể thương thân” của người Việt.

Người làm ra của chứ không phải ngược lại. Do vậy, trong nhiều lĩnh vực, chúng ta luôn đặt con người lên vị trí trung tâm. Trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông có phương châm “Tính mạng con người là trên hết”, trong phòng và chống Covid-19 có phương châm “Không ai bị bỏ lại phía sau”...

Chúng ta lại phải nhắc nhau những điều đã biết, tưởng cũ nhưng luôn mới. Chính quyền địa phương luôn nhớ phải dự báo, sơ tán sớm và khẩn cấp các gia đình ở vùng thấp lụt, tận dụng kênh thông báo qua nhà mạng ở địa phương để nhắn tin trực tiếp đến điện thoại của dân chúng. Các đập thủy điện và hồ chứa phải dừng xả lũ nếu nước về hồ chưa quá nguy cấp.

Nhưng mọi cách phòng ngừa thiên tai luôn có giới hạn, các chuyên gia biến đổi khí hậu chia sẻ, khi sức mạnh của thiên nhiên vượt ngưỡng, việc quan trọng nhất mà chúng ta không bao giờ được quên là phải giữ tính mạng cho mình và người thân. 

Mưa bão, lũ lụt hàng năm ở nước ta luôn nhắc nhở con người cách sống tôn trọng những giá trị cân bằng. Đó là cân bằng sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Yếu tố cân bằng bảo đảm sự phát triển bền vững. Điều này không phải chờ đến phương án ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn hàng năm mà trước hết, phải được thể hiện trong quy hoạch phát triển. Quy hoạch không được can thiệp thô bạo lên môi trường, sinh thái, bất chấp quy luật tự nhiên.