TP HCM: Rắc rối vụ kiện đòi 11 triệu học phí khóa Anh văn “để dành”

(PLO) -“Lúc đăng kí học, vì cháu còn quá nhỏ, nên tôi cũng chưa biết sẽ định hướng cho cháu học gì. Nhân viên trung tâm tư vấn là để đến khi cháu có định hướng nghề nghiệp thì hãy theo học để phù hợp với cả nhu cầu học lẫn trình độ của cháu. Thấy lời khuyên của nhân viên hợp lý, tôi đồng ý cho cháu bảo lưu khóa học cho đến khi cháu vào Đại học. Không ngờ, bây giờ khi cháu đã học Đại học năm 2, biên lại đóng học phí với số tiền gần 11 triệu đồng vẫn chưa học được buổi nào”, ông Lại buồn rầu kể lại. 
Ông Lại (trái) và em Thành phản ánh sự việc
Ông Lại (trái) và em Thành phản ánh sự việc

Bỏ ra gần 11 triệu đồng để đóng học phí cho khóa học Anh văn “để dành” với thời gian 48 tuần, song sau 7 năm, khi cầm hóa đơn đến đăng ký nhập học lại, học viên chỉ được giải quyết cho theo học khóa học Anh văn giao tiếp với thời gian chỉ từ 6-8 tháng, với mức học phí thấp hơn. Nếu muốn theo học khóa học với thời gian tương đương, học viên phải đóng thêm tiền.

Không chấp nhận cách giải quyết của Trung tâm, phía học viên nhiều lần tìm đến Trung tâm để thắc mắc thì nhận được câu trả lời “trường hợp này không được giải quyết nữa”.

Đóng học phí trước… 5 năm 

Đưa tay lật tìm phiếu thu học phí từ năm 2009 trong góc tủ, ông Dương Lại (tên thường gọi là Lập, 49 tuổi, ngụ số 129, Lô K, thuộc chung cư Nguyễn Thiện Thuật, phường 1, quận 3, TP HCM) cho biết, hai năm qua, ông nhiều lần tìm đến Trung tâm Anh ngữ VATC để đòi quyền lợi của mình nhưng không được giải quyết thỏa đáng. 

Ông nói: “Thời điểm năm 2009, số tiền gần 11 triệu đồng là khá lớn. Vì vậy, tôi muốn Trung tâm Anh ngữ VATC phải giải quyết sự việc, đảm bảo quyền lợi của học viên”.

Theo trình bày của ông Lại, vào năm 2008, người cháu Phạm Công Thành (20 tuổi) chỉ mới học lớp 6 và đang có nhu cầu học Anh văn. Lúc này, thấy Trung tâm Anh ngữ Á Âu, chi nhánh Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP HCM) được nhiều học viên theo học, lại ở gần nhà, tiện cho việc đi lại nên ông đăng ký cho cháu học từ cấp độ C1-C4.

Trong quá trình theo học, Trung tâm Anh ngữ Á Âu đưa ra chương trình giảm giá học phí từ 10 – 15% cho khóa thứ 3 nếu đóng tiền theo học 2 khóa liên tiếp. Do có nhu cầu học cho cháu học Anh văn lâu dài, lại thấy có thể giảm được một mức học phí đáng kể, vào ngày 08/06/2009 (lúc này Thành vừa học xong lớp 6 – PV) ông Lại quyết định nộp tiền đăng ký cho cháu học tiếp cấp độ C5- C6 với mức học phí  lần lượt là 2.030.000 đồng và 1.281.000 đồng. 

Được giảm giá khóa học thứ 3, người đàn ông này lại đăng ký cho Thành khóa học cao hơn. Tuy nhiên ở thời điểm này, trình độ Anh văn của Thành còn thấp, lại chưa hoàn thành cấp độ C7-C8, nên sau khi được nhân viên tư vấn, ông Lại đã đăng ký cho cháu khóa học luyện thi TOFEL – TOEIC hoặc Anh Văn giao tiếp với thời gian 48 tuần, vào các ngày thứ 3-5-7 từ 17h30 – 19h với mức học phí là 10.721.000 đồng. Thời gian bắt đầu học là sau khi Thành hoàn thành xong chương trình phổ thông. 

“Lúc đăng kí học, vì cháu còn quá nhỏ, nên tôi cũng chưa biết sẽ định hướng cho cháu học gì. Nhân viên của trung tâm tư vấn là để đến khi cháu có định hướng nghề nghiệp thì hãy theo học để phù hợp với cả nhu cầu học lẫn trình độ của cháu. Nhân viên tư vấn có nói rõ, nếu học luôn thì trình độ của cháu chưa đáp ứng được, hơn nữa, cấp độ C7 – C8 cháu không cần học vì sẽ được dạy kỹ lưỡng ở trường phổ thông.

Cho nên, đăng kí khóa học này, khi vào Đại học, cháu có thể tùy chọn lớp Luyện thi  TOFEL – TOEIC hoặc Anh Văn giao tiếp. Thấy lời khuyên của nhân viên hợp lý, tôi đồng ý cho cháu bảo lưu khóa học cho đến khi cháu vào Đại học. Không ngờ, bây giờ khi cháu đã học Đại học năm 2, biên lại đóng học phí với số tiền gần 11 triệu đồng vẫn chưa học được buổi nào”, ông Lại buồn rầu kể lại. 

Theo ông Lại, mọi chuyện bắt đầu vào năm 2010, khi Thành đang học chương trình anh văn cấp độ C6, thì Trung tâm Anh ngữ Á Âu chuyển giao học viên cho Trung Tâm Anh Ngữ Việt Mỹ (gọi tắt là VATC), chi nhánh Nguyễn Tiểu La (phường 8, quận 10, TPHCM). 

Cũng như nhiều học viên khác của Á Âu, Thành được chuyển sang VATC để được tiếp tục đào tạo và cấp bằng. Các thỏa thuận dân sự, giữa học viên và trung tâm Á Âu đều được chuyển giao cho VACT vào thời điểm này. “Khóa học để dành của Thành cũng được VATC chấp nhận bảo lưu cho đến khi cháu học xong chương trình phổ thông”, ông nói.

Song, đầu năm 2015, khi người cháu học xong chương trình THPT, ông Lại quay lại trung tâm để cho cháu học tiếp khóa học đã đăng ký từ trước thì té ngửa khi biết VATC chi nhánh Nguyễn Tiểu La đã trả mặt bằng và chuyển đi nơi khác.  

Khi được hỏi vì sao lại đóng một số tiền lớn như vậy để chọn mua khóa để dành cho cháu sau 5 năm, ông Lại chỉ buồn buồn nói rằng: “Vì tôi đã quá tin tưởng ở Á Âu nên không hề lường trước được những rủi ro sau này.

Khi được chuyển giao học viên, VATC cũng cam kết bảo lưu trường hợp của Thành, nên tôi cũng yên tâm để cháu tập trung chương trình Phổ thông. Không ngờ VATC chuyển địa điểm mà không có bất cứ thông báo nào tới học viên. Lúc đó tôi cứ đinh ninh là mình đã mất tiền cho khóa học ấy rồi”. 

Phiếu thu học phí từ năm 2009

Phiếu thu học phí từ năm 2009

Gần 2 năm đòi quyền lợi “bảo lưu”

Theo ông Lại, ông biết đến sự tồn tại của Trung tâm Anh Ngữ Việt Mỹ VATC vào khoảng giữa năm 2015. Khi ấy, ông có tham dự Ngày hội tuyển sinh tại cơ sở 1 trường ĐH Bách Khoa TP HCM (quận 10, TP HCM) để tìm hiểu chọn trường Đại học cho cháu. Tại đây, ông tình cờ thấy quầy tư vấn của Trường Cao đẳng nghề Việt Mỹ, có ký hiệu VATC, gần giống với trung tâm Anh Ngữ Việt Mỹ VATC mà cháu ông theo học. 

Nhớ đến khóa học của mình, ông đến hỏi thăm thì biết trung tâm Anh Ngữ Việt Mỹ VATC cũng trực thuộc Trường Cao đẳng nghề Việt Mỹ (VATC), hiện đang có một chi nhánh trên đường 3/2 (phường 12, quận 10, TP HCM).

Sau khi biết được địa chỉ, ông Lại đã cầm hóa đơn đóng tiền học tại Á Âu đã được bảo lưu từ 2009 đến VATC, chi nhánh 3/2 để đăng ký tiếp khóa học theo thỏa thuận ban đầu. Tuy nhiên, VATC đã sắp xếp để Thành học một khóa học với mức chi phí và thời gian ít hơn khóa học đã đăng ký cách đây 5 năm.

“Phía trung tâm thông báo sẽ chấp nhận vấn đề bảo lưu từ Á Âu nhưng chỉ chuyển cháu tôi sang khóa học Anh văn giao tiếp từ 6 - 8 tháng với thời gian linh hoạt, tức cháu rảnh vào giờ nào trong tuần thì có thể đến học giờ đó. Tôi không đồng ý với cách giải quyết này vì cháu còn đi học, không có nhiều thời gian rảnh. Hơn nữa, khóa học cũ tôi đăng ký rõ ràng ghi thời gian học vào buổi tối thứ 3-5-7 từ 17h30-19h và trọn khóa là 48 tuần. Mức học phí cao hơn hẳn khóa học từ 6-8 tháng”. 

Người đàn ông nói tiếp: “Tôi có yêu cầu VATC thực hiện theo đúng thỏa thuận ban đầu, nhưng họ cho biết, khóa học giao tiếp 48 tuần hiện tại có học phí khoảng 14 triệu đồng. Nếu tôi vẫn muốn cho cháu học khóa này thì phải đóng thêm tiền.

Trong khi đó, nếu học khóa học 24 tuần (mức học phí chỉ khoảng 8 triệu), thì họ cũng thông báo sẽ không hoàn lại số tiền thừa. Như vậy có phải thiệt thòi cho tôi không? Chưa kể việc học vào bất kì thời gian nào trong ngày liệu có đảm bảo chất lượng hay không?”. 

Sau nhiều lần tìm đến VATC yêu cầu giải quyết vụ việc, vào ngày 25/10/2016, ông Lại nhận được điện thoại từ trung tâm VATC thông báo phía trung tâm không giải quyết trường hợpcủa ông nữa. 

“Tôi có yêu cầu Trung tâm có câu trả lời cụ thể bằng văn bản. Tuy nhiên, người quản lý nói rằng “sếp” không giải quyết vụ việc từ năm 2010 trở về trước (thời điểm chuyển giao giữa hai trung tâm – PV). Nếu VATC không giải quyết, không thực hiện theo những gì đã cam kết trước đó, vậy ra khóa học mà tôi đã mua với số tiền gần 11 triệu đồng coi như mất trắng”, ông Lại nói. 

Trao đổi với PV về vụ việc trên, chị Võ Thị Phương Trâm (32 tuổi, Quản lý Trung tâm Anh ngữ VATC, chi nhánh đường 3/2, P.12, Q.10, TP HCM) xác nhận có trường hợp khiếu nại của gia đình học viên Phạm Công Thành. Song, trái ngược với trình bày của ông Lại, chị Trâm cho biết:

“Để giải quyết vụ việc trên, Trung tâm đã mời học viên Phạm Công Thành đến để làm việc và chọn khóa học. Chính em Thành đã chọn một lớp học với cấp độ và học phí thấp hơn, nhưng phù hợp với trình độ Anh văn hiện tại của em. Tuy nhiên, em cũng không đi học, cũng không có bất kì phản hồi gì dù phía Trung tâm đã nhiều lần liên lạc”.

Về những câu hỏi của PV liên quan đến thông báo của Trung tâm không giải quyết trường hợp “bảo lưu” của học viên Phạm Công Thành, người quản lý này từ chối được trả lời vì vượt quá thẩm quyền. 

Sau khi liên hệ với cấp trên, chị Trâm thông báo sẽ đặt lịch để PV làm việc với người có trách nhiệm của VATC vào một ngày khác. Song, đã nhiều ngày trôi qua, phía Trung tâm VATC vẫn chưa có phản hồi.