“Tư duy điều tra”

(PLO) - Tại cuộc họp giữa lãnh đạo Chính phủ và một số bộ, ngành, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội ngày 27/8, ông Trần Xuân Hà - Thứ trưởng Bộ Tài chính đề nghị trước mắt chưa bổ sung chức năng điều tra ban đầu của cơ quan thuế vào Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi. Lý do được Thứ trưởng Tài chính đưa ra “để nghiên cứu kỹ hơn, lập kế hoạch thực hiện nhiệm vụ theo lộ trình với ngành Thuế”.
Một nơi tiếp nhận hồ sơ kê khai thuế và báo cáo thuế (Ảnh minh họa)
Một nơi tiếp nhận hồ sơ kê khai thuế và báo cáo thuế (Ảnh minh họa)

Đề xuất quyền điều tra của cơ quan thuế được Bộ Tài chính kiến nghị nhiều lần khi xây dựng Dự Luật Quản lý thuế sửa đổi, song vấp phải phản đối từ nhiều bộ, ngành và giới chuyên gia.

Chẳng biết có nên “chia buồn” với ngành Thuế Việt Nam hay không? Tuy nhiên, câu chuyện đề xuất của ngành Thuế làm chúng ta nhớ lại: không phải ngành này mà đã rất nhiều ngành khi xây dựng Luật muốn được giao “quyền năng tố tụng”. 

Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, hẳn những chuyên gia luật pháp còn nhớ, khi hội thảo về xây dựng Luật Thanh tra (thay thế Pháp lệnh Thanh tra năm 1990) các thành viên Ban soạn thảo đấu tranh để Thanh tra Nhà nước (bây giờ là Thanh tra Chính phủ) có thẩm quyền điều tra. Câu chuyện đề xuất này kéo dài đến khi xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Nhà nước chủ trì soạn thảo).

Còn rất nhiều “điều tra” khác như “hải quan điều tra”, “kiểm toán điều tra”... Xin mở ngoặc, chỉ nói đến các cơ quan hành chính thôi; các đơn vị lực lượng vũ trang như biên phòng, cảnh sát biển... thì “điều tra”, “làm án” là đương nhiên.

Có một điều lạ là, mấy năm nay rộ lên “phong trào” ký kết “Quy chế phối hợp” giữa các bộ, ban, ngành trong bộ máy Nhà nước về nhiều nội dung. Hình như đó đang là “mốt” hiện nay? Vì sao nói như vậy?

“Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” điều này được thể hiện trong Hiến pháp Việt Nam. 

Sự ra đời các thiết chế hiến định, luật định độc lập luôn nhằm tăng cường các công cụ để nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước. Những nước duy trì được sự phát triển ổn định lâu dài về kinh tế - xã hội và chính trị chính là những nước tuân theo tinh thần của pháp quyền. Ý nghĩa của sự phân công quyền lực nhà nước là để phân định nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, và quy định trách nhiệm nghĩa vụ phối hợp để Nhà nước hoạt động có hiệu lực và hiệu quả.

Rõ là như vậy. Vậy mà cứ “đua nhau” xây dựng “quy chế phối hợp”? Không hiểu hình thức văn bản này có cao hơn luật định? Ở đây có vấn đề “văn hóa cơi nới” quyền lực sinh ra từ tư duy không chuyên nghiệp về trách nhiệm và quyền hạn. Sao không “phối hợp” được với nhau đến mức phải đề xuất “thẩm quyền điều tra”; không phối hợp với nhau được phải “đẻ” thêm “quy chế”? Vẽ thêm là thêm bộ máy, không phải “chuyện đùa” đâu.

Cơ quan quản lý thuế chỉ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan điều tra thực hiện điều tra tội phạm về thuế theo quy định của pháp luật là hoàn toàn đúng đắn.