Từ kỳ vọng đến thực tế

(PLVN) - Ai trong đời chẳng một lần bị ép uống rượu bia. Thế nên khi nghe tin từ 15/11/2020, khi Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền tới 1 triệu đồng với hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia, phạt tới 3 triệu với người ép buộc người khác uống rượu bia, không ít người vui mừng.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Có điều qua phút vui mừng là băn khoăn. Rất nhiều ý kiến e ngại rồi quy định này sẽ “chết non” như quy định phạt người hút thuốc lá nơi bệnh viện. Có quy định đấy nhưng thực tế hầu như chỉ tồn tại trên giấy, đốt đèn giữa ban ngày cũng hiếm thấy trường hợp vi phạm nào bị phạt.

So sánh như vậy không phải không có lý. Ở Việt Nam, người hút thuốc đã nhiều, và người sử dụng rượu bia thậm chí còn… nhiều hơn. Các nghiên cứu chính thống cho thấy uống rượu bia là thói quen tiêu dùng đã tồn tại lâu đời ở Việt Nam, có khi được coi là phương tiện giao tiếp xã hội.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2018, ước tính trung bình mỗi người Việt Nam trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất, nhiều hơn so với người Trung Quốc, cao gấp 4 lần so với người Singapore. Mê rượu bia đồng nghĩa hao tổn nhiều về sức khỏe, tiền bạc, tinh thần và những hệ lụy khác như tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự... 

Ở Việt Nam, cứ ra ngõ là gặp rượu bia, ở một số đô thị có những con đường quán nhậu nhiều hơn nhà ở. Lại thêm thói nài nhau uống “vui vẻ” trên bàn nhậu đã ăn sâu “thâm căn cố đế”, nhất là khi trong người đã có hơi men lâng lâng. Vậy lấy đâu ra đủ cán bộ chức năng đi “soi” từng cuộc nhậu để biết ai ép ai? Điều quan trọng hơn, “luật ngầm” là đã bước chân vào cuộc nhậu, nghĩa là chấp nhận “vui tới bến”, xác định có thể ép hoặc bị ép. Vậy quy định mới có thể đi vào thực tế?

Trước những băn khoăn này, đại diện Bộ Y tế đã có những lý giải, khẳng định với thực trạng nhiều người sử dụng rượu bia như hiện nay, thì tính khả thi của những quy định trên cần có thời gian. Cơ quan chức năng sẽ có nhiều cơ chế để giảm tác hại của rượu bia, chứ không chỉ xử phạt. Và quy định pháp luật ban hành trước hết để định hướng, chứ không chỉ nhằm mục đích nhăm nhăm xử phạt.

Không chỉ đại diện Bộ Y tế, có lẽ ai cũng mong rằng những quy định này sẽ góp phần giảm bớt tác hại của rượu bia, bởi tự thân khi quy định ra đời, đã khẳng định người không muốn rượu bia có quyền từ chối. Từ cơ sở pháp lý đó, xã hội mới có thể tạo định hướng thói quen tiêu dùng rượu bia văn minh, tự nguyện; tạo thành nét văn hóa mới uống rượu bia theo thói quen, nhu cầu, sở thích tự nguyện mỗi người.

Vẫn biết từ kỳ vọng tới thực tế có thể là một quãng đường dài, nhưng nhìn lại những quy định trong quá khứ từng bị tưởng là sẽ chết yểu, như quy định trước đây bắt buộc đội mũ bảo hiểm, không uống rượu bia khi lái xe... nhưng thực tế đã đi sâu vào cuộc sống, thì chúng ta có quyền tin rằng những quy định mới này cũng sẽ tốt tươi như vậy.