Từ vụ bà Lê Thị Hiền lăng mạ nhân viên hàng không: Xử phạt chiếu lệ, ứng xử càng tệ

(PLVN) - Việc xử phạt nữ hành khách thóa mạ nhân viên hàng không, gây náo loạn sân bay Tân Sơn Nhất 200.000 đồng làm dấy lên trong dư luận sự bỡn cợt đối với hình thức xử phạt này. 
Nữ hành khách thóa mạ nhân viên hàng không, gây náo loạn sân bay Tân Sơn Nhất bị phạt 200.000 đồng
Nữ hành khách thóa mạ nhân viên hàng không, gây náo loạn sân bay Tân Sơn Nhất bị phạt 200.000 đồng

Không những khơi lại những vụ tai tiếng trước đây với “hội chứng 200 nghìn đồng” mà người ta còn so sánh với mức xử phạt 7,5 triệu đồng đối với một thanh niên có hành vi xúc phạm Cảnh sát giao thông trên mạng để thấy sự trái khoáy này.

Kỷ luật cán bộ cũng thế. Vụ xe công đi dự đám cưới con trai một nữ Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội ở một tỉnh ầm ĩ đến thế rồi cũng “thống nhất không kỷ luật”. Một sự ứng xử chưa coi trọng các quy định về văn hóa ứng xử bị dư luận phê phán gay gắt mà ứng xử “hòa cả làng” rõ ràng là một sự khuyến khích cho những ứng xử tương tự như thế tiếp tục xảy ra.

Hoặc, Chủ tịch huyện cùng "bộ sậu" của mình làm hồ sơ giả chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng ở Gia Lai mà chỉ bị nhận mức kỷ luật cảnh cáo và khiển trách thì làm sao mà tham nhũng không tiếp tục xảy ra.

Ở một trường THPT có tên tuổi là trường chuyên của tỉnh, Hiệu trưởng bất chấp quy định cho dạy thêm, học thêm công khai, ông ta không dạy đủ tiết quy định nhưng vẫn nhận đủ tiền dạy quá giờ, vậy mà hình thức kỷ luật là khiển trách. Làm gương được cho ai?.

Một Phó Giám đốc Sở ở Bình Định đang bị Hội đồng kỷ luật ở sở này đề nghị buộc thôi việc vì nợ nần quá nhiều, xin nghỉ đi chữa bệnh và không đến họp dù cơ quan triệu tập nhiều lần. Đáng chú ý là trước đó, nhiều chủ nợ của ông ta đã đề nghị cơ quan “đòi nợ giúp” nhưng bị từ chối vì cho rằng đây là quan hệ cá nhân, dân sự, không phải việc của cơ quan. Hệ lụy của việc này như thế nào đã rõ.

Tại Bình Dương, một nhóm chủ nợ đến nhà con nợ nhưng chủ nhà đi vắng, liền lấy xe tải đang đậu ở sân nhà đó mang đi. Dù người bị mất tài sản kêu đến cơ quan nhiều lần nhưng hành vi chiếm đoạt tài sản này vẫn được làm ngơ. Mới đây, đại biểu Quốc hội của tỉnh này lên tiếng đề nghị xem xét và Viện KSND tỉnh có văn bản chỉ đạo cấp dưới thực thi đúng pháp luật đối với sự việc này. 

Thưởng, phạt nghiêm minh thì mới khuyến khích được những việc làm tốt, hạn chế những việc làm xấu. Phạt chiếu lệ, kỷ luật “phủi bụi” là góp phần tích cực vào việc gia tăng những hành vi thiếu văn hóa, phản cảm và thậm chí vi phạm pháp luật trong xã hội chúng ta!