Tượng đài - hoành tráng và yếu kém

(PLO) -Không phải ngẫu nhiên các nhà chuyên môn về mỹ thuật, nhiếp ảnh đã bỏ phiếu bình chọn sự kiện hạn chế trong năm 2017 đó là: “Chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật một số công trình tượng đài đáng báo động”. 
 
Một bức tượng nằm trong quần thể năm tượng Chiến thắng Bắc Kạn, tổng kinh phí 4,5 tỷ đồng hoàn thành vào đầu năm 2015 bất ngờ gãy đôi và đổ xuống gây thương tích cho một bé trai
Một bức tượng nằm trong quần thể năm tượng Chiến thắng Bắc Kạn, tổng kinh phí 4,5 tỷ đồng hoàn thành vào đầu năm 2015 bất ngờ gãy đôi và đổ xuống gây thương tích cho một bé trai

Cụ thể là hai sự cố nặng nề đều liên quan đến chất lượng thi công tượng đài: nhân vật trong cụm tượng đài Chiến thắng ở tỉnh Bắc Kạn bị gãy đổ và phần thi công móng của công trình tượng đài N’ Trang Lơng, tỉnh Đắk Nông có nhiều sai phạm.

Hàng loạt tượng đài mới xây đã xuống cấp, hư hỏng

Họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp Ảnh và Triển lãm cho biết, báo động chất lượng các công trình tượng đài là bất cập đã kéo dài nhiều năm qua. Có thể thấy, chỉ hơn chục năm trở lại đây, ở Việt Nam bắt đầu có phong trào ganh đua xây dựng tượng đài. Nhiều địa phương hiện nay đều đang rất cố để đua nhau xây tượng đài, càng hoành tráng, to nhất, oai nhất thì càng tốt. Thế nhưng, một điều đáng buồn, chất lượng của các công trình lại tỷ lệ nghịch với sự hoành tráng và tốn kém.

Tối 9/8/2017, tại sân quảng trường Nhà văn hóa tỉnh Bắc Kạn, một bức tượng nằm trong quần thể năm tượng Chiến thắng Bắc Kạn, tổng kinh phí 4,5 tỷ đồng hoàn thành vào đầu năm 2015 bất ngờ gãy đôi và đổ xuống gây thương tích cho một bé trai. 

Công trình tượng đài N’Trang Lơng ở Đắk Nông với kinh phí xây dựng hơn 140 tỷ đồng cũng gặp sự cố. Cuối năm 2016, các hạng mục móng, bệ, hệ thống chống sét trị giá hơn 1,7 tỉ đồng phải tạm dừng thi công do không đạt chất lượng với cường độ bê tông thấp hơn cường độ thiết kế; 1/3 sàn bê tông không bảo đảm yêu cầu, móng không đáp ứng được tải trọng của tượng...

Năm 2015, biểu tượng văn hóa của thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) với giá trị 24 tỷ đồng xuất hiện nhiều vết nứt sau khi bị sét đánh vỡ chóp. Cơ quan chuyên môn kết luận nguyên nhân do nền móng lún không đều gây rạn nứt khu vực tiếp giáp. Sau mưa lớn kèm sấm sét, phần đỉnh cột phù điêu, bút tháp của cụm tượng đài văn hóa ở huyện Đông Triều bị vỡ, rạn nứt và một bộ phận bút tháp rơi. 

Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng ở huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam với vốn đầu tư 411 tỷ đồng sau khi khánh thành 2 tháng đã bong tróc nền. Tượng đài chiến thắng ở ngã ba sông thuộc xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) tổng kinh phí là 1,7 tỉ đồng bị sạt lở nghiêm trọng. Đây là công trình đang giai đoạn nghiệm thu, sắp xong thì có nguy cơ đổ sụp xuống sông.

Tượng đài Xô Viết Nghệ Tĩnh là một trong các hạng mục thuộc dự án xây dựng Khu di tích lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh với kinh phí gần 93 tỉ đồng. Chất lượng tượng đài cũng từng bị dư luận lên tiếng khi phần tượng đã rêu mốc, úa màu vàng hanh. Nhiều tượng người bị thương tích đầy mình khi một số cánh tay chân, mình tượng bị rạn, nứt...

Tượng đài càng to càng lộ sự yếu kém của địa phương

Hiện nay cả nước có hơn 370 tượng đài đã được xây dựng, có gần 20 tượng đài anh hùng dân tộc có quy mô khá lớn. Song việc xây dựng quy hoạch tượng đài chưa được triển khai cùng với quy hoạch xây dựng của các địa phương trong toàn quốc.  Xây dựng tượng đài, do chưa có quy hoạch thống nhất, đồng bộ từ trung ương đến địa phương dẫn đến những bất cập về công tác quản lý nhà nước còn trùng lặp về xây dựng và tu bổ. Xây dựng theo phong trào... việc tượng đài ở nhiều tỉnh sao chép mẫu na ná nhau: sáo mòn, rập khuôn, cũ rích, gây nhàm chán, đơn điệu về mặt nghệ thuật.

Có thể thấy, hàng loạt tượng đài mới xây đều có giá trị hàng chục tỉ, thậm chí hàng trăm tỉ đồng bị xuống cấp trầm trọng. Trong khi, nếu thiết kế, xây dựng chuẩn xác, công phu, các tượng đài phải tồn tại hàng trăm năm.

Ông Phạm Thanh Tùng-  Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng phần lớn sự cố do lỗi thi công ẩu, thiếu tính toán kết cấu, khâu giám sát không được coi trọng, việc quản lý chất lượng của địa phương bị buông lỏng. Do yếu về chuyên môn nên có tượng đài càng to, càng cao càng lộ sự yếu kém, càng cao càng lộ sự yếu kém, non nớt về tay nghề của tác giả tượng đài đó và sự giám sát của địa phương. Ngoài ra, các địa phương thường chạy đua về tiến độ nên không chú ý chất lượng, dễ xảy ra hư hỏng. 

Theo các chuyên gia kiến trúc và mỹ thuật, tượng đài phải mang trong nó trọng trách truyền tải đến người xem những giá trị tinh thần, chứ không phải là ở tầm vóc to hay nhỏ. Đó là công trình nghệ thuật chứ không phải công trình xây dựng. Các tượng đài rất cần hội đồng nghệ thuật tư vấn, đánh giá và giám sát về các công trình từ chất lượng tới giá trị nghệ thuật.