Tuyết rơi có gì vui?

(PLVN) - Những ngày qua, một số địa điểm như đỉnh núi Ô Quy Hồ (giáp ranh hai tỉnh Lào Cai, Lai Châu và xã Y Tí, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) xuất hiện tuyết rơi. Nhiều đoạn trên các tuyến đường lên hai khu vực này phủ tuyết trắng, đóng băng, sương mù dày đặc.
Lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai dựng rào chắn hạn chế các phương tiện lên đỉnh Ô Quy Hồ.
Lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai dựng rào chắn hạn chế các phương tiện lên đỉnh Ô Quy Hồ.

Cây cối khoác chiếc áo tuyết như khung cảnh mùa đông châu Âu. Tuyết rơi rất đẹp, nhưng hiện tượng thời tiết giá rét khắc nghiệt cũng gây thiệt hại nghiêm trọng đến cây trồng và vật nuôi của bà con đồng bào, những người vốn đã gặp nhiều khó khăn kinh tế trong cuộc sống.

Riêng tại Lào Cai, hơn 45 con trâu chết do giá rét. Hàng chục ha rau xanh, hoa, hơn 1.000 chậu địa lan... của người dân bị băng tuyết bao phủ, thiệt hại khoảng hơn 2 tỷ đồng. Hình ảnh những đàn trâu mặc áo mưa hoặc quấn chằng quấn đụp những mảnh giẻ rách được lùa xuống vùng thấp tránh giá rét lại tái diễn. Đi ngược chiều những đàn trâu khó nhọc lê bước, có thể là những đoàn xe hơi du lịch từ dưới xuôi lũ lượt lên “du lịch” ngắm tuyết.

Tại nhiều khu vực biên giới như huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) giáp với nước bạn Lào, nước đóng băng trắng xóa trên cây cối. Chốt Nhọt Lợt và chốt mốc 390, Đồn Biên phòng Mỹ Lý là khu vực không có sóng điện thoại. Rét buốt thấu xương thịt nhưng các cán bộ chiến sỹ ở đây luôn túc trực 24/24 để phòng chống dịch Covid-19. Từ điểm chính của đồn Mỹ Lý phải đi bộ khoảng 5 giờ đường rừng mới đến chốt ở mốc 390. Các hoạt động tuần tra, kiểm soát vẫn phải thường xuyên duy trì cả ngày lẫn đêm để ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép.

Cũng trong sáng 11/1, Học viện Biên phòng làm lễ điều động 460 cán bộ, chiến sĩ lên 5 tỉnh biên giới, trong đó có những nơi đang co mình trong giá lạnh như Lạng Sơn, Cao Bằng… để ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép và phòng chống Covid-19.

Lạnh giá đỉnh điểm không chỉ khiến người ta lo lắng về những dấu hiệu thất thường chứng tỏ khí hậu và môi trường “có vấn đề”, mà ngay lập tức ảnh hưởng đến giao thông. Tại chân đèo Ô Quy Hồ (QL4D), nhiều xe bị mất lái do đường trơn, lao vào vách núi. Phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai đã huy động lực lượng trực chốt tại chân đèo để phân luồng, hạn chế các phương tiện lên núi ngắm tuyết. “Đường lên đỉnh núi hiện rất trơn trượt, nhiều đoạn nước đóng băng trên mặt đường nên việc đi xe máy, ôtô đi lên đó rất nguy hiểm”, CSGT khuyến cáo du khách không nên lên đỉnh núi vào thời gian này.

Tổng cục Đường bộ cũng yêu cầu Sở GTVT các tỉnh miền núi làm sạch đinh phản quang, tấm dán phản quang trên các tuyến QL để đảm bảo an toàn cho phương tiện; khuyến cáo người dân hạn chế đi lên đường miền núi do thời tiết lạnh, nhiệt độ cơ thể thay đổi ảnh hưởng đến sức khỏe và việc điều khiển xe, có thể mất an toàn giao thông.

Vẫn biết đây là “hiện tượng thiên nhiên thú vị”, người nào tò mò và có điều kiện kinh tế có quyền được đổ xô đi nhìn ngắm “thỏa mãn đam mê cá nhân”; nhưng nếu rơi nhiều quá, bất thường quá, gây ra nhiều hệ lụy quá như trên, thì chuyện tuyết rơi đâu có gì vui?.