Vân Đồn: Thiếu đất chôn, người đã khuất “nằm liều” trên đất rừng

(PLO) - Đó là thực trạng buồn của một vài xã trên địa bàn huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Do quỹ đất dành cho nghĩa trang ngày càng thu hẹp, chính quyền xã, huyện cũng lúng túng khi không được quyền quy hoạch vì Vân Đồn là khu kinh tế...
Vân Đồn: Thiếu đất chôn, người đã khuất “nằm liều” trên đất rừng

Giao dịch để xây mộ

Trong vai là người đi mua đất để xây lăng mộ, phóng viên báo PLVN đã tìm được nhà ông H.B (nằm trên đường ĐT 334, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh). Khi trò chuyện mới biết, chủ đất này cũng đã từng bán cho một vài người dân quanh xã.

Điều đáng nói, đây là đất rừng được giao cho người dân để trồng keo và xà cừ. Theo như một số người dân, tuy biết là đất rừng và việc mua bán là vi phạm nhưng vẫn mua vì sợ "qua đời không có chỗ chôn".

Con đường đi vào khu nghĩa trang trên đất rừng do nhà ông H.B quản lý.
Con đường đi vào khu nghĩa trang trên đất rừng do nhà ông H.B quản lý.

Theo lời lãnh đạo xã Đông Xá cho biết, ở Vân Đồn hiện nay, người chết đang có nguy cơ không có chỗ chôn vì quỹ đất nghĩa trang ngày càng thu hẹp. Chính những người dân lo lắng nên những nhà nào có đất vườn hay nông, lâm nghiệp còn đỡ. Còn nhà nào không có đất dư thì cũng chẳng biết làm sao.

Người nhà lãnh đạo không có đất chôn

Theo lời kể của ông Trịnh Quốc Đoàn - Chủ tịch thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh, vào năm 210, người đã khuất được người thân chôn khắp nơi. Cứ nơi nào có đất trống là thành đất chôn.

Ngay cả bản thân mộ của người nhà một lãnh đạo huyện cũng phải nằm ở ven suối. Do quan niệm của người dân địa phương, sau khi bốc mộ thì chỗ huyệt cũ là không chôn vì tâm linh rằng đất đó thuộc về người nằm trước.

Đến khi lên làm Chủ tịch, ông Đoàn mới khoanh vùng nghĩa trang của thị trấn và vận động người dân không được đưa người chết nằm ngoài khu vực đó. Cùng với đó là những huyệt mộ đã được bốc cải táng, ông đã cho vệ sinh, cải đất lại đồng thời mời thầy cúng làm lễ phong thủy để người dân yên tâm sử dụng phần đất đó.

Chính vì thế tại thị trấn Cái Rồng cho đến nay vẫn là một trong những nơi hiếm hoi của huyện Vân Đồn chưa đến mức thiếu quỹ đấy cho nghĩa trang. Thế nhưng, cách làm này đã không được áp dụng tại xã khác nhiều người quan niệm và tin vào việc chôn vĩnh viễn ở khu đất tốt cho cả người sống và người đã khuất, nhất ở những nơi Đông Xá, Đoàn Kết. 

Nan giải quy hoạch trong Khu Kinh tế

Ông Châu Thành Hưng - Phó Chủ tịch huyện Vân Đồn cho biết, trước đây người dân thường chôn người đã khuất tự phát. Họ cứ thấy đất ở đâu trống thì chôn, sau đó mỗi xã được quy hoạch thành một nghĩa trang.

Lác đác những lăng mộ nằm ngoài quy hoạch khu nghĩa trang.
Lác đác những lăng mộ nằm ngoài quy hoạch khu nghĩa trang.

Thời gian gần đây, quỹ đất có hạn nhưng người mất thì cứ tăng nên dần dẫn đến quá tải. Mặc dù chính quyền nhiều xã đã kiến nghị với Huyện cho mở rộng đất nghĩa trang. Nhưng khi Vân Đồn trở thành Khu Kinh tế thì ngay cả bản thân chính quyền Huyện cũng không thể tự quyết định được.

Để rõ hơn vấn đề này, phóng viên báo PLVN đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Văn Hồng - Phó Trưởng ban Khu Kinh tế Vân Đồn. Theo ông Hồng, trước vấn đề thiếu đất cho người đã khuất như hiện nay, Tỉnh Quảng Ninh đã có định hướng quy hoạch tầm nhìn đến 2030.

Theo đó, những nghĩa trang hiện trạng không đảm bảo vệ sinh môi trường sẽ dần dần đóng cửa. Thay vào đó, mô hình sử dụng nghĩa trang tập trung tại xã Đài Xuyên có diện tích đến 40ha.

Tuy nhiên, dù huyện Vân Đồn đã có văn bản kiến nghị từ năm 2012 cho đến nay, Tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa chấp thuận do quy hoạch chung khi kinh tế Vân Đồn đang được nghiên cứu điều chỉnh. Nhưng đến khi nào được phê duyệt vì người mất không thể chờ quy hoạch thì ngay bản thân ông Hồng cũng... không biết.

Trước tình trạng trên, người dân cũng như chính quyền huyện Vân Đồn phải làm sao? Theo ông Trịnh Văn Hồng, do Vân Đồn dành quỹ đất cho một số dự án khác  nên UBND huyện đã đầu tư, cải tạo nghĩa trang nhân dân thôn Tràng Hương, xã Đoàn Kết lên 7ha và di dời khoảng 600 ngôi mộ. Đồng thời, chính quyền xã cũng tận dụng các nghĩa trang cũ và vận động động tuyên truyền người dân nên hỏa táng.

Ngoài ra, lãnh đạo huyện Vân Đồn và các xã cũng sẽ bám sát tránh đề tình trạng người dân chôn bừa bãi tại ở các khu đất không thuộc quy hoạch nghĩa trang.

Cũng theo ông Châu Thành Hưng - Phó Chủ tịch huyện Vân Đồn cho biết thêm, với những trường hợp người dân còn được giao đất mà để xảy ra tình trạng mua bán trái phép cho người dân để xây lăng mộ, thì chính quyền địa phương sẽ kiểm tra và lên phương án thu hồi./.

Huyện Vân Đồn có khoảng 30 nghĩa trang với tổng diện tích gần 55ha. Các nghĩa trang này đều có quy mô nhỏ, nằm rải rác khắp huyện đảo và các vùng dân cư. Trong khi chờ quy hoạch để có nơi chôn, nhiều người dân vẫn "liều" chôn người mất ở những nơi không thuộc nghĩa trang.