Văn hóa cần sự thay đổi

(PLO) - Thành phố Hà Nội vừa có chủ trương vận động người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo và có những quy định nhằm hạn chế kinh doanh trong lĩnh vực này. Chủ trương này đã nhận được sự đồng tình của không ít người bên cạnh những ý kiến cực đoan phản đối, cho rằng chỉ “vẽ” ra chứ làm sao “cấm” được món ăn khoái khẩu và có nơi ăn thịt chó đã là nét đặc trưng văn hóa ẩm thực của cả làng.
Hà Nội vừa có chủ trương vận động người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo
Hà Nội vừa có chủ trương vận động người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo

Cơ sở của chủ trương này là xuất phát từ văn hóa ứng xử với những con vật được coi là bạn của con người, không nên ăn thịt chúng. Đây cũng là nét văn hóa chung của các nước phương Tây, nên Hà Nội muốn giữ gìn hình ảnh văn minh trong con mắt du khách.

Nhưng, điều cốt lõi là trước tình trạng trộm chó hoành hành, đối trượng trộm bị hành xử một cách dã man và chúng chống lại cũng man dã không kém. Thứ nữa, dịch bệnh có thể lây lan qua con đường ẩm thực này và rõ ràng quá trình giết mổ, chế biến không ai kiểm soát được việc vệ sinh, an toàn thực phẩm. Cũng vì cách đối xử  dã man với bọn trộm chó mà nhiều người đã từ bỏ món khoái khẩu này, không muốn gián tiếp là nguyên nhân cho nạn trộm chó. Đó là một sự ứng xử nhân văn.

Càng có cơ sở hơn khi trên thực tế “vương quốc” thịt chó Nhật Tân một thời lẫy lừng mùi chả nướng đã tàn lụi nhanh chóng, “công nghệ thịt chó” từng lên ngôi đã bị hạ bệ không kèn, không trống và làm biến mất các trại chăn nuôi chó thịt từng chọc mù mắt, thủng tai vật nuôi với mục đích cho thịt nhanh, lãi cao.

Những lời đồn thổi rùng rợn về sự báo ứng của chó đã hiện diện khiến nhiều người sợ hãi. Tuy nhiên, tại Hà Nội vẫn còn hơn 1000 cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến và tiêu thụ thịt chó cho thấy việc từ bỏ món ăn “mộc tồn” truyền thống được mệnh danh là “hươu thềm” này không dễ.

Nên nhớ, đây mới chỉ là sự vận động, kêu gọi từ phía chính quyền đô thị chứ không phải cấm và rõ ràng có sự tôn trọng nhất định đối món ăn truyền thống này. Đó cũng biểu hiện một sự ứng xử văn hóa và nên xử sự lại cũng bằng văn hóa, chớ có “ném đá” và thẳng tay công kích. Để từ bỏ thói quen ăn thịt chó cần có thời gian và hẳn rằng sự tác động từ phía chính quyền sẽ làm hạn chế đi nhiều những hệ lụy không hay mà thói quen này mang lại.

Để xây dựng một thành phố văn minh đúng nghĩa thì cần đến những sự thay đổi trong thói quen, nếp sống cố hữu. Ví dụ từ những việc nhỏ như xả rác, vứt xác động vật ra đường đến việc tổ chức hiếu hỷ, cứ thản nhiên dựng rạp ra đường sao có thể là văn minh.

Đã có những tục lệ tưởng như bất di, bất dịch mà với thời gian nó cũng tự biến mất. Ví dụ, 4 việc trọng đại nhất thiết phải có trong đời người theo quan niệm truyền thống là “quan, hôn, tang, tế” thì “quan” tức lễ trưởng thành đã âm thầm biến mất từ lâu. Văn hóa cần có sự thay đổi để phù hợp và bắt kịp văn minh. Vận động không ăn thịt chó, mèo là một dẫn chứng.