Vấn nạn bạo lực

(PLO) - Dạo này, súng nổ hơi nhiều, trên đường phố, tại quán bida, thậm chí, ở ngay trước cửa nhà mình, hai cha con tại Đà Lạt tự nhiên trúng đạn bị thương. Có những vụ nổ súng bắn nhau được miêu tả diễn ra như phim hành động. Và, đằng sau mỗi vụ nổ súng đó đều có căn nguyên là giải quyết xích mích, mâu thuẫn giữa các băng nhóm hoặc giữa những người hàng xóm với nhau.
Cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường vụ nổ súng khiến 2 cha con bị thương ở Đà Lạt. Ảnh: Trần Lộc/Zing
Cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường vụ nổ súng khiến 2 cha con bị thương ở Đà Lạt. Ảnh: Trần Lộc/Zing

Mới đây, Tòa án đã xét xử vụ một nữ Thiếu tá Công an thuê đàn em của mình dằn mặt đối thủ bằng súng. Đáng nói là người phụ nữ này là Biên tập viên của Truyền hình Công an nhân dân, một nữ sỹ quan Công an, một nhà báo mà lại hành xử như thế, trách gì những kẻ giang hồ quen sống ngoài vòng pháp luật.

Bạo lực trong nhà trường, bệnh viện vẫn không hề giảm cho dù công luận phẫn nộ và các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng không hề nương tay. Người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế ở Bắc Kạn là một quân nhân, làm thành phần các đối tượng hành hung bác sỹ có đủ mặt công chức, doanh nghiệp, cán bộ phường, dân thường,... và nay có cả bộ đội tham gia.

Tại huyện Mang Yang (Gia Lai), một Chủ tịch xã dẫn đầu một toán người gồm dân quân, công an viên xông vào làng đánh người để “trả đũa” cho người anh em cọc chèo của mình bị một nhóm thanh niên quây đánh. Sự thể hiện quyền lực trái pháp luật này khiến ông ta bị đình chỉ công tác 30 ngày để làm rõ chuyện. Chủ tịch xã, người đứng đầu chính quyền ở một địa phương mà xử sự như đám giang hồ, thảo khấu, dân tình sao chịu nổi.

Bạo lực cũng gia tăng trong gia đình và án mạng xảy ra giữa vợ chồng, cha con hoặc tình nhân, người “cũ”,... chỉ để giải quyết vấn đề tình cảm với nhau. Đáng lo ngại nhất là hoạt động của những nhóm “bảo kê”, đòi nợ thường sử dụng hung khí và ra tay tàn độc, kể cả con nợ đối với chủ nợ. Sau mỗi vụ nổ súng lại phát hiện ra các băng nhóm cùng với kho vũ khí gồm súng đạn, mã tấu và các vật liệu nổ, gây sát thương. Ngoài lực lượng Cảnh sát giao thông thường xuyên bị kẻ xấu hành hung, ngay đến cả Phó Công an một phường cũng bị đe dọa khi giải tỏa những bãi giữ xe không phép trên địa bàn.

Giải thích cho vấn nạn bạo lực gia tăng người ta thường đổ lỗi bởi do những bức xúc trong đời sống xã hội khiến con người manh động. Cái đó đúng nhưng chỉ là một phần, còn nguyên nhân chính gây ra bạo lực là pháp luật chưa nghiêm, không được tuân thủ chặt chẽ kể cả người có chức quyền khiến niềm tin vào pháp luật đổ vỡ và tiềm ẩn những bất công xã hội, những uất ức không được giải tỏa bằng con đường chính tắc. Nguy hiểm nhất là việc hình thành những băng nhóm chuyên nghiệp hành xử bằng bạo lực và hoạt động ngoài vòng pháp luật mà cứ để chúng ngang nhiên tồn tại, thậm chí có trường hợp cán bộ công quyền phải mượn đến bàn tay của chúng nếu không nói là có sự cấu kết.

Giải quyết vấn nạn bạo lực không thể chỉ bằng cách vận động, tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật mà phải là những động thái quyết liệt xóa bỏ các băng nhóm “xã hội đen”, quản lý chặt chẽ súng đạn, sâu xa và căn cơ hơn là đảm bảo sự công bằng xã hội, sự nghiêm minh của pháp luật, thái độ phục vụ nhân dân, thượng tôn pháp luật của các cán bộ, cơ quan công quyền.