Vào chợ “thần chết” Sài thành, mua axit dễ hơn mua rau

(PLO) - Axit có sức hủy hoại ghê ghớm khiến các nạn nhân của những vụ án dùng axit để hành hung, tấn công người khác đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. Vậy mà loại “hung khí” lỏng này có thể mua được dễ dàng như rau cỏ ở ngay trong những khu chợ nổi tiếng bậc nhất TP.Hồ Chí Minh.


Vào chợ “thần chết” Sài thành, mua axit dễ hơn mua rau
Ra đường, ở đâu cũng bán
Cách đây ít lâu, vụ án Nguyễn Văn Dũng (31 tuổi, quê Bến Tre) vì níu kéo người tình là Hồng Kim Huôi (23 tuổi, quê Kiên Giang) không thành đã mua axit để trả thủ khiến dư luận không ngớt xôn xao. Tại cơ quan điều tra Dũng khai, để thực hiện âm mưu tàn độc của mình, hắn đã mua 40.000 đồng axit nitric (một loại axit có đặc tính rất nguy hiểm - PV) ở khu vực chợ Kim Biên (phường 13, quận 5, TP.HCM). 
Đáng nói, không chỉ Dũng mà rất nhiều kẻ thủ ác của những vụ án liên quan đến axit đều khai nhận rằng, chúng mua “vũ khí” thể lỏng ở khu chợ này. 
Dù Luật Hóa chất ra đời đã nhiều năm và Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 28/2010/TT quy định cụ thể về nội dung ghi phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc, nhưng thực tế axit đang được bán một cách công khai trên địa bàn TP.HCM. Chúng được bán nhiều và rẻ đến nỗi không ít người ví mua hóa chất độc hại dễ như mua rau cỏ.
Theo tìm hiểu của người viết, ở chợ “thần chết” này có không dưới 30 gian hàng bán hóa chất và hương liệu các loại, trong đó có khoảng 25 cửa hàng có bán axit. Phần lớn các loại axit được người bán chứa trong các bình nhựa, hoặc các can từ 500ml đến 30 lít. Có đủ các loại axit, từ axit tinh khiết phục vụ nghiên cứu, nhưng nhiều nhất là axit công nghiệp. 
Giá cả ở đây được “niêm yết” bằng bút lông ghi nguệch ngoạc ở phía bên ngoài các can, trong đó rẻ nhất là axit có nguồn gốc từ Trung Quốc. Dĩ nhiên, việc mua bán axit ở chợ này theo kiểu “ngã giá — rả tiền  - đong hóa chất”, người mua có thể mua rẻ hơn giá “niêm yết” của cửa hàng rất nhiều nếu mua với số lượng lớn. 
Trong vai một sinh viên khoa Hóa, chúng tôi đến cửa hàng hóa chất  HC. trên đường Gò Công, bên hông trái chợ. Gian hàng theo kiểu “siêu mỏng” như một con hẻm nhỏ được bày bán đủ các loại hóa chất công nghiệp như phốt pho, bột nhôm, lưu huỳnh, trên mỗi tải, hộp đựng các loại này được định luôn giá. 
Người chủ tên Hùng, khoảng 50 tuổi, mặc độc chiếc quần đùi ngồi vắt vẻo trên ghế, thấy khách gã đon đả: “Cưng mua gì vào đây anh bán cho”. Tôi hỏi mua 1 lít axit, gã tiếp thị luôn: “Cưng muốn mua hàng nào, ở đây loại gì anh cũng có, tiền nào của ấy. Hàng Trung Quốc thì giá tứ 25- 80 nghìn/lít, còn của Tây thì đắt hơn, từ 150 — 230 nghìn/ lít, nhưng tất cả đều là axit đặc”.
Sau khi đưa ra bảng giá, tôi bảo gã bán cho 1 lít sunfuric, Hùng có vẻ không được vui cho lắm, gã bảo: “Anh tưởng cưng mua nhiều, anh chỉ bán theo can thôi. Loại này độc lắm, cân đong không cẩn thận là toi luôn”, rồi gã chỉ tôi sang cửa hàng của người cháu, theo gã thì bên đó có bán lẻ.
Cửa hàng của Hùng đã nhỏ hẹp, cửa hàng của cháu gã còn nhỏ hơn và nồng nặc mùi hóa chất. Các can, tải đựng hóa chất được chồng lên kệ gỗ ọp ẹp và được bán cũng khá rẻ: kali 33 nghìn/kg, phốt pho 30 nghìn/can. Tôi lại hỏi mua 1 lít sunfuric, gã vào gian hàng tìm, nhưng còn đúng 1 bình nhựa 500ml. 
Gã kêu một nhân viên khoảng 17 tuổi đong lấy 1 bình nhựa nữa. Cậu ta bèn cầm cái bình nhựa, đi lại gần vòi nước, ở đó có đặt một cái can màu xanh 30 lít, rồi khéo léo rót axit vào một cái ca nhựa nhỏ rồi lấy phễu từ từ rót vào bình 500 ml một cách thành thục. 
Sau đó, chủ quán cho 2 bình axit vào túi nilon rồi đưa cho khách, nói một cách nhẹ tênh:“Của em giai 10 nghìn” khiến chúng tôi không khỏi giật mình. Gã còn bảo: “Loại này mới đậm đặc 98% thôi, còn 100% là 12 nghìn/lít cơ. Nếu em mua nhiều thì anh giảm giá cho, chỉ còn 8 nghìn/lít”. 
Đặc biệt, theo khảo sát của chúng tôi, người mua loại hóa chất nguy hiểm này cũng không cần phải khai báo thông tin như quy định tại Thông tư số 28/2010/TT. 
Luật chưa đủ sức răn đe?
Việc mua bán axit dễ dàng đã khiến nhiều đối tượng thừa cơ trục lợi và vô tình tiếp tay cho những kẻ ác. Hầu hết nguyên nhân của các vụ tấn công bằng axit là do mâu thuẫn trong vấn đề tình cảm cá nhân.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Đại học Sư phạm TP.HCM cho biết: “Những đối tượng dùng axit để giải quyết mâu thuẫn, trong Tâm lý học được gọi chung là hiện tượng “hưng phấn mất kiểm soát”, kèm theo trong họ hình thành tư tưởng bạo lực nên đã ngang nhiên ra tay tàn nhẫn với đối phương. 
Những thủ phạm sử dụng axit để “dằn mặt” hay để trả thù, gây hấn người khác khi đạt đến trạng thái hưng phấn thì sẽ trở về tâm lý bình thường.  Lúc đó, họ nghĩ lại hành vi phạm tội của mình rồi mới thấy sợ hãi và hối hận”.  
Theo tra cứu của riêng người viết, hầu hết các vụ án tạt axit được định tội theo Điều 104 “Tội cố ý gây thương tích”. Tội danh này có khung hình phạt rất nặng, cao nhất đến chung thân. Tuy nhiên, nếu hậu quả chết nhiều người không xảy ra thì mức hình phạt cao nhất này không được áp dụng. 
Trong nhiều trường hợp, dù không có chết người nhưng thương tích trầm trọng của nạn nhân đã huỷ hoại cuộc đời của họ, làm liên lụy đến nhiều người thân. Họ sống không bằng chết. Mức hình phạt đối với người phạm tội dường như chưa tương xứng nên tính giáo dục chung cho xã hội còn hạn chế./.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com