Về vụ chìm tàu khiến 9 người chết: Nhiều dấu hiệu oan sai

(PLO) - Để làm rõ hơn về những dấu hiệu oan sai trong vụ việc hai lãnh đạo của hai doanh nghiệp bị truy tố về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” trong vụ chìm tàu làm 9 người chết tại vùng biển Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh tháng 8/2013, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hoàng Long Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Bà Rịa -Vũng Tàu.
Về vụ chìm tàu  khiến 9 người chết: Nhiều dấu hiệu oan sai
Hai bị can kêu oan là ông Vũ Văn Đảo (SN 1968) nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc (Cty Việt Séc), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vũng Tàu Marina (Cty Marina) và ông Đinh Văn Quyết - Giám đốc Cty Marina.
PV: Ông nhận định thế nào về việc hai bị can bị khởi tố, bắt giam và truy tố về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” (Điều 214 Bộ luật Hình sự - BLHS) ?
Luật sư Hoàng Long Hà: Ông Đảo là luật sư thành viên của Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) nên chúng tôi đã nghiên cứu kỹ nội dung vụ án này và có kiến nghị gửi các cơ quan tiến hành tố tụng TP.Hồ Chí Minh đề nghị đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can vì nhận thấy ông Đảo, ông Quyết không phải là chủ thể của tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” (Điều 214 BLHS). Thậm chí, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng rất quan tâm đến vụ án và có đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình giám sát oan sai trong năm nay.
Căn cứ vào kết luận nguyên nhân tai nạn đã được các cơ quan chuyên môn xác định thì đây phải là vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy” theo Điều 212 của BLHS. Tuy nhiên, do người có lỗi (chính là điều khiển phương tiện chở quá số người, điều khiển không phù hợp tình hình thức tế…) đã chết nên cơ quan điều tra (CQĐT) cần phải đình chỉ vụ án. Việc khởi tố ông Đảo, ông Quyết về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” là không có căn cứ pháp lý, bởi nguyên nhân gây ra tai nạn không phải do chất lượng hay tình trạng kỹ thuật của phương tiện.
PV: Ông đánh giá thế nào về nội dung bản kết luận điều tra (KLĐT)? Tại sao lại có sự “vênh” nhau giữa CQĐT và Viện kiểm sát  (VKS) trong việc xác định hành vi phạm tội của ông Đảo, ông Quyết?.
Luật sư Hoàng Long Hà: Bản KLĐT đã quy kết cho ông Đảo có các sai phạm về sản xuất tàu thuyền như: đưa công nghệ vật liệu mới vào sản xuất tàu thuyền ở Việt Nam, quá trình sản xuất phương tiện không tuân thủ các quy định về sản xuất phương tiện giao thông nên chưa được Cục Đăng kiểm Việt Nam giải quyết đăng kiểm phương tiện, tàu thuyền không thể đăng kiểm theo hệ dân sự thì chuyển hướng bán cho lực lượng vũ trang… Từ những “sai phạm” này, CQĐT đã cho rằng ông Đảo và ông Quyết phạm tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” .
Đây là nội dung suy diễn, thiếu cơ sở và đi ngược lại chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học công nghệ, lấy khoa học công nghệ làm động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội. Những kết luận không có căn cứ trong KLĐT đã được các chuyên gia pháp luật, các luật sư chỉ rõ trong các kiến nghị nhưng tới nay đều không được các cơ quan tiến hành tố tụng TP.Hồ Chí Minh xem xét, tiếp thu hoặc trả lời.
 Trong khi CQĐT cho rằng ông Đảo phạm tội vì có hành vi trong sản xuất tàu thuyền thì VKSND TP.Hồ Chí Minh lại quy kết ông Đảo phạm  tội vì đã điều động tàu khi con tàu này chưa được Đăng kiểm Việt Nam cấp đăng kiểm. Cả hai quan điểm này đều không có căn cứ pháp lý vì nếu ông Đảo có sai phạm trong sản xuất tàu thuyền thì phải có chứng cứ chứng minh con tàu bị chìm là do lỗi kỹ thuật. Thực tế,  con tàu này đã được cơ quan đăng kiểm Hải quân đăng kiểm, đủ điều kiện an toàn để đưa vào sử dụng nên không thể nói là chưa được đăng kiểm mà đưa vào sử dụng. Còn nếu nói ông Đảo “điều động” phương tiện thì cũng không có căn cứ vì tàu BP12-04-02 thuộc quyền sở hữu của đơn vị khác. Ông Đảo, ông Quyết không thể điều động.  
Sự “vênh” nhau về quan điểm giữa CQĐT và VKS cho thấy bản thân cơ quan tiến hành tố tụng cũng có sự lúng túng, không thống nhất khi đánh giá về hành vi của ông Đảo và ông Quyết, chưa hiểu đúng Điều 214 BLHS khi khởi tố, truy tố bị can.
PV: Như ông đã nói thì ông Đảo là Luật sư thuộc Đoàn Luật sư BR - VT, vậy Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có động thái cụ thể nào để góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thành viên của mình?
Luật sư Hoàng Long Hà: Ngoài việc có văn bản gửi tới các cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị xem xét lại việc khởi tố, truy tố đối với ông Đảo để tránh oan sai thì một số đồng nghiệp của ông Đảo, Đoàn Luật sư Tỉnh BR - VT và  Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã và đang theo dõi sát diễn biến của vụ việc, nhất là những động thái từ các cơ quan tiến hành tố tụng TP.Hồ Chí Minh. Nhiều luật sư cũng đã đăng ký bào chữa miễn phí cho ông Đảo nếu bị can này bị đưa ra xét xử. Tôi nghĩ, các cơ quan tiến hành tố tụng TP.Hồ Chí Minh cần phải cân nhắc, xem xét thận trọng ý kiến của các Luật sư, của Đoàn Luật sư tỉnh BR-VT, Liên đoàn Luật sư Việt Nam để tránh làm oan sai đối với 2 bị can trong vụ án này. Nếu cần, chúng tôi sẵn sàng đối thoại trực tiếp với các cơ quan tiến hành tố tụng để bảo vệ quan điểm của chúng tôi.
PV: Trân trọng cảm ơn luật sư.  
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com