Vì sao một số người 'tiểu không đúng chỗ'?

(PLO) - Ngày 13/2 vừa qua, Đội Cảnh sát môi trường Công an quận Hoàng Mai cho biết, đơn vị đã ra quyết định xử phạt hành chính 2 triệu đồng/người đối với 3 lái xe taxi có hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định. 
Tình trạng thiếu nghiêm trọng nhà vệ sinh công cộng là một trong những nguyên nhân khiến người dân có hành vi vi phạm môi trường, văn minh đô thị.
Tình trạng thiếu nghiêm trọng nhà vệ sinh công cộng là một trong những nguyên nhân khiến người dân có hành vi vi phạm môi trường, văn minh đô thị.

Chỉ huy Công an quận Hoàng Mai cũng khẳng định, những trường hợp vi phạm trên nếu tái phạm ngoài xử phạt với mức răn đe hơn sẽ thêm hình thức cưỡng chế lao động công ích dọn dẹp vệ sinh công cộng. Ở TP HCM hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định cũng bị xử phạt nghiêm. Một người đàn ông chạy xe máy trên đường Cống Quỳnh quận 1 chọn góc khuất sau xe tải thản nhiên đứng “xả” đã bị Đội quản lý trật tự đô thị tuần tra phát hiện, ghi hình từ xa rồi đến lập biên bản về hành vi phóng uế nơi công cộng.

Theo thống kê, từ sau Tết Nguyên đán, quận 1 TP HCM đã xử phạt hàng chục trường hợp “tè bậy”, xả rác, chất thải... nơi công cộng. Người vi phạm sau khi nhận quyết định xử phạt phải đến kho bạc nộp phạt trong 10 ngày. Nếu quá hạn, quận sẽ gửi thông báo đến địa phương yêu cầu thực hiện. Nếu không chấp hành, sẽ truy thu bằng cách kê biên tài sản hoặc trừ lương đối với người hưởng lương.

Không phải đến bây giờ hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định mới bị xử phạt mà trước đó đã có quy định với mức phạt 200-300.000 đồng nhưng theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (thay thế Nghị định 179/2013) có hiệu lực từ 1/2/2017, tiểu bậy ngoài đường bị xử phạt từ 1 đến 3 triệu đồng, gấp 10 lần so với mức 200-300.000 đồng trước kia. 

Vì sao người dân có hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định, bên cạnh việc vô ý thức (vì có những người bị bắt tại trận khi chỉ cách nhà vệ sinh công cộng chỉ chục bước chân) thì tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân buộc phải có hành động xấu như vậy. Theo thống kê hiện TP HCM có quy mô hơn 10 triệu dân, mỗi năm đón khoảng 5 triệu du khách nước ngoài, song chỉ có hơn 200 nhà vệ sinh công cộng, mà hầu hết không đạt chuẩn, mất vệ sinh. 

Còn ở Hà Nội, Cty Môi trường đô thị Hà Nội là đơn vị hiện được thành phố giao duy trì khoảng 170 nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn thành phố, trong đó tập trung chủ yếu ở 4 quận nội đô gồm: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng. Điều đáng nói là trong số 170 nhà vệ sinh công cộng này hiện chỉ có khoảng 17 nhà vệ sinh công cộng ở mặt phố, số còn lại tập trung ở các ngõ ngách, khu tập thể đông dân cư. Phần lớn nhà vệ sinh công cộng này đã được xây dựng từ rất lâu, có nhà vệ sinh công cộng được xây trên 20 năm nay nên xuống cấp xập xệ. 

Việc xây mới các nhà vệ sinh công cộng tưởng dễ mà không dễ. Dù thừa nhận đang thiếu trầm trọng hệ thống nhà vệ sinh công cộng nhưng theo Sở Xây dựng Hà Nội thì việc xây dựng nhà nhà vệ sinh công cộng còn tùy từng quận, căn cứ vào nhu cầu quận nào có nhu cầu nhiều thì họ chủ trương đầu tư xây bằng ngân sách hoặc bằng xã hội hóa, chứ khó có thể trông chờ vào nguồn vốn nhà nước. Cũng như Hà Nội, trong năm 2016 TP HCM đã chấp thuận cho các nhà đầu tư làm 1.000 nhà vệ sinh công cộng, nhưng tình hình vẫn chưa khả quan là mấy. 

Trong khi nhiều địa phương trên cả nước, đau đầu giải bài toán nhà vệ sinh công cộng thì mới đây TP Đà Nẵng đã thực hiện thành công mô hình xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng trong cộng đồng bằng cách kêu gọi được đông đảo doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng, hộ kinh doanh… tự nguyện mở cửa cho du khách, người dân địa phương sử dụng miễn phí nhà vệ sinh hiện có của cơ sở mình với tinh thần cởi mở, mến khách.

Ba “cái được” lớn nhất sau hơn một năm triển khai mô hình nói trên đã được ghi nhận, đó là: tiết kiệm chi phí cho thành phố trong việc xây dựng và duy trì các điểm vệ sinh công cộng; kết nối doanh nghiệp với khách hàng tiềm năng, đồng thời mang lại hình ảnh một Đà Nẵng thân thiện, mến khách. 

Thế để thấy rằng, chuyện nhà vệ sinh công cộng tưởng là chuyện nhỏ, nhưng không hề nhỏ bởi nó giúp xây dựng hình ảnh thành phố văn minh trong mắt du khách, đồng thời giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị và hơn hết là “cứu” người dân tránh khỏi hành vi vi phạm, cũng như mất tiền nộp phạt vì “lỡ” thực hiện nhu cầu chính đáng của cá nhân không đúng chỗ.