Việt Trì (Phú Thọ): Lò gạch “bức tử” khu dân cư

(PLO) -Theo chỉ đạo của UBND TP Việt Trì  thì hạn cuối để các chủ lò gạch trên địa bàn xã Sông Lô dừng sản xuất là 31/12/2015. Tuy nhiên, hiện các lò gạch này vẫn ngang nhiên hoạt động, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân xung quanh.
Các lò gạch hoạt động suốt ngày đêm “bức tử” khu dân cư, bất chấp “lệnh cấm” của UBND TP Việt Trì.
Các lò gạch hoạt động suốt ngày đêm “bức tử” khu dân cư, bất chấp “lệnh cấm” của UBND TP Việt Trì.
Lò gạch gây ô nhiễm
Đi dọc theo tuyến đường từ cầu Việt Trì về tới xã Sông Lô, có thể dễ dàng bắt gặp hàng loạt lò gạch khổng lồ đua nhau nhả khói đen kịt, mùi khét bốc nồng nặc, không khí ngột ngạt, khó thở khiến nhiều người dân sống xung quanh không chỉ bị ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn điêu đứng vì mùa màng thất thu.
Người dân ở đây cho biết, nhiều năm qua họ phải sống chung với khói bụi từ các lò gạch xung quanh. Điều đáng nói là nhiều lò gạch đều nằm gần khu dân cư, trường học nên mức độ ảnh hưởng càng nghiêm trọng. Nhiều người đã mắc các chứng bệnh tức ngực, đau đầu, ho khan, suy hô hấp….
Nói về thiệt hại hoa màu, bác Nhung (người dân khu 3, xã Sông Lô) cho biết: “Trước đây, diện tích xung quanh lò gạch này chúng tôi ném mạ để cấy, nhưng từ ngày lò gạch hoạt động thì mạ cứ bị xém hết đi, cấy xuống là lại hỏng. Giờ chúng tôi không làm được nữa, đất thì bỏ hoang nhưng hàng năm vẫn phải gánh sản lượng. Diện tích trồng ngô xung quanh trước phải được 2 tạ/sào nhưng giờ chỉ được nửa. Khi dân chúng tôi phản ánh thì họ đổ cho lúa bị vàng chân và sâu bệnh nên không đền bù. Còn những cây nhãn xung quanh nhà khi ra hoa bị khói bao trùm nên không đậu quả nào”.
Ngoài ra, xe chở gạch hoạt động liên tục “băm nát” tuyến đê. “Có những hôm bụi quá chúng tôi phải chặn xe chở gạch lại, bắt tưới nước nhưng tưới được tí lại thôi. Cuộc họp cử tri nào chúng tôi cũng phản ánh nhưng vẫn chưa được giải quyết” – bác Nhung cho biết thêm.
Phớt lờ chỉ đạo của thành phố
Trước thực trạng trên, ngày 24/12/2015 UBND TP Việt Trì đã có Văn bản số 2489/UBND-KT về việc “đẩy nhanh việc xóa bỏ sản xuất gạch đất sét nung theo công nghệ lò đứng liên tục trên địa bàn thành phố”. Văn bản cũng đã nêu rõ: “UBND thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các phường, xã có liên quan chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp, các chủ lò gạch chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung công nghệ lò đứng liên tục theo đúng tiến độ, đồng thời không kí hợp đồng, hoặc gia hạn hợp đồng giao đất, cho thuê đất cho các chủ lò gạch, báo cáo kết quả thực hiện về UBND thành phố trước ngày 31/12/2015”. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân và quan sát của phóng viên Báo PLVN, hiện nay các lò gạch trên địa bàn xã Sông Lô vẫn ngang nhiên hoạt động cả ngày lẫn đêm, bất chấp “lệnh cấm” của UBND TP Việt Trì.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tảo – Chủ tịch UBND xã Sông Lô cũng khẳng định những phản ánh của người dân là hoàn toàn đúng. Hiện nay, toàn xã còn 9 lò gạch hoạt động, mặc dù đã áp dụng công nghệ lò đứng liên hoàn nhưng vẫn ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Dân cũng đã phản ánh rất nhiều qua các cuộc họp cử tri.
Về nguyên nhân dẫn đến việc các lò gạch vẫn hoạt động, ông Tảo cho biết: “Thực tâm chúng tôi rất muốn dừng lò gạch nhưng hiện nay còn nhiều vướng mắc. Thứ nhất là do nhiều lò gạch đầu tư lớn, họ xin thêm thời gian để chuyển đổi. Thứ hai là về vấn để san trả mặt bằng. Diện tích các lò gạch đều thuê lại đất của bà con để sản xuất, trong hợp đồng với hợp tác xã thì khi kết thúc hợp đồng, phải trả lại mặt bằng, để tiếp tục sản xuất nông nghiệp. Nhưng hiện nay vấn đề trả lại mặt bằng đất nông nghiệp chưa làm được ngay”.
Ông Tảo cũng nhấn mạnh, tất cả các lò gạch đều hết hợp đồng từ ngày 31/12/2015, UBND xã cũng đã thông báo chủ trương của thành phố, gọi và nhắc nhở nhiều lần nhưng các lò gạch vẫn tiếp tục hoạt động. Xã cũng tiếp tục mời chủ các lò gạch đến để đối chiếu công nợ, lập biên bản cam kết san trả mặt bằng và dừng hoạt động, nếu không được thì bắt buộc phải dùng biện pháp mạnh cấm đường.
Thiết nghĩ, UBND xã Sông Lô và các cơ quan chức năng cần nhanh chóng giải quyết dứt điểm tình trạng trên để đảm bảo môi trường sống cho người dân.