Vụ đường mang tên Alexandre de Rhodes: Văn hóa tranh luận méo mó

(PLVN) - Từ bày tỏ ý kiến biến thành tranh cãi, rồi mạt sát, sỉ nhục nhau, đó dường như là tiến triển thường thấy của những vấn đề gây tranh cãi thời gian qua. Không chỉ thế, nhiều người còn có nguy cơ phạm pháp vì xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm người khác. Tất cả xuất phát từ thói quen tranh luận thiếu văn minh của một bộ phận trong xã hội.
Đường Alexandre De Rhodes tại TP HCM.
Đường Alexandre De Rhodes tại TP HCM.

Từ tranh luận đến tranh cãi

Thời gian này, cuộc tranh luận sôi nổi nhất trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, phải kể đến vụ lấy tên hai vị giáo sư có công sáng tạo ra chữ quốc ngữ để đặt tên đường. Xuất phát từ việc TP Đà Nẵng cân nhắc đặt tên đường mang tên hai giáo sĩ Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes, 12 vị giáo sư, PGS, Tiến sĩ ở Huế gửi đơn kiến nghị kèm theo luận điểm phân tích, phản đối, TP Đà Nẵng đã tạm thời ngưng việc đặt tên đường để xem xét lại. 

Từ đó, cuộc tranh luận trên diện rộng đã nổ ra xung quanh vấn đề này. Từ sự tham gia của các nhà nghiên cứu sử học, những người làm công tác học thuật, các nhà tu hành cho tới các công chức, nhân viên văn phòng… rất nhiều người đã lên tiếng bày tỏ chính kiến của mình. Tiếc là, từ chuyện nói lên chính kiến, câu chuyện dần dà đi theo hướng tranh luận, tranh cãi và cãi cọ, chửi bới lẫn nhau.

12 nhà nghiên cứu có tên trong danh sách bị chửi bới, mạt sát bằng những ngôn từ không mấy dễ nghe. Một vị giáo sư dạy tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM còn bị “nhận diện nhầm” là một vị trong danh sách 12 nhà nghiên cứu bị chia sẻ ảnh, chửi rủa. 

Tương tự, những người bày tỏ ý kiến trái ngược nhau cũng chửi bới nhau không tiếc lời. Một nhà sư đăng đàn chia sẻ ý kiến đồng thuận với 12 nhà nghiên cứu, bày tỏ sự phản đối dùng tên hai vị giáo sĩ đặt tên đường. Một số người khác vào bình luận phản ứng với ý kiến ấy, có người nhẹ nhàng, có người thóa mạ. Và cũng không ít người mang danh phật tử, lao vào chửi bới những người có ý kiến ngược với vị sư kia với lời lẽ hết sức khó nghe.

Những cuộc tranh cãi triền miên với đủ vấn đề dường như chưa bao giờ kết thúc với những người Việt thích cãi cọ. Còn nhớ, cách đây ít lâu, khi GS Bùi Hiền đưa ra phương pháp cải cách tiếng Việt, cùng với việc viết lại “Truyền Kiều” bằng chữ cải cách, vị GS này không chỉ nhận không ít lời chửi rủa xúc phạm, mà dư luận còn chia làm mấy ngả, quay sang công kích, chửi bới lẫn nhau trên mạng xã hội. Hình ảnh của vị Giáo sư cùng những người liên quan bị chế, bị đem bôi bác, bêu riếu.

“Bỏ bóng, đá người”?

“Bỏ bóng, đá người” - một cụm từ có nghĩa bóng phản ánh rất rõ thói quen trong tranh luận của một bộ phận người Việt là thay vì dùng lập luận, chứng cứ và lý lẽ để thuyết phục người khác hay bác bỏ ý kiến mình không đồng ý thì lại tấn công cá nhân người đưa ra lập luận.

Như sự việc 12 nhà nghiên cứu phản đối việc dùng tên các vị giáo sĩ đặt tên đường, ngoài những người dùng lập luận, tư liệu lịch sử và tài liệu nghiên cứu để chứng minh thì một bộ phận không nhỏ khác đã quay sang “khủng bố” họ. Bên cạnh việc bị chửi rủa bằng các ngôn ngữ tục tằn trên mạng xã hội, nhiều vị trong số 12 nhà nghiên cứu đã lên tiếng cho biết, họ bị tấn công qua tin nhắn, điện thoại, thậm chí còn nhận những lời đe dọa độc ác.

Một số vị cho biết, những người liên lạc với ác ý thậm chí không cần trình bày ý kiến phản đối hay lắng nghe sự giải thích của họ, mà chửi rủa liên tục, vu khống, thóa mạ đủ kiểu. Không chỉ riêng các nhà nghiên cứu, mà công việc, gia đình của họ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trước những sự việc quan trọng, chuyện những người có tiếng trong xã hội lên tiếng, bày tỏ chính kiến của mình là một chuyện hoàn toàn bình thường. Thế nhưng, chuyện “bình thường” ấy giờ đây cũng trở nên hết sức nguy hiểm nếu như ý kiến được đưa ra không khiến số đông vừa ý. Khi ấy, luận điểm của người đưa ra ý kiến bị bác bỏ là chuyện nhỏ, còn chuyện lớn hơn, đáng sợ hơn là những cuộc chửi bới, đấu tố, “ném đá” khiến người đưa ý kiến phải điêu đứng.

Như sự việc ca sĩ Mỹ Linh đưa ý kiến cá nhân về việc xây dựng nhà hát giao hưởng ngàn tỉ ở TP HCM. Luận điểm ấy đúng sai chưa bàn tới, nhưng việc cô bị kêu gọi tẩy chay, “ném đá”, thóa mạ và xúc phạm, khiến cuộc sống mất cân bằng một thời gian đã được ví như một “cuộc đấu tố thời trung cổ”. Hay như chuyện nữ đại biểu HĐND Phan Thị Hồng Xuân đưa ra ý kiến chống ngập bằng lu.

Ý kiến ấy chưa biết khả thi hay không, hay dở, nhưng nữ đại biểu này đã đứng trước một làn sóng bỉ bai, nhục mạ, chế giễu cực kì mạnh mẽ. Hình ảnh nữ đại biểu được đưa ra ghép ảnh, ghép chữ, thậm chí có những người bỉ bôi ngoại hình, so sánh với con vật… Một đại biểu quốc hội khác đưa ý kiến không cho phép để xe dưới tầng hầm chung cư, kết quả ông này cũng biến thành mục tiêu công kích của cư dân mạng.

Khó lòng kể hết bao người chỉ vì phát ngôn có thể đúng, có thể sai, hữu ích hay ngớ ngẩn đã trở thành đối tượng bị tẩy chay, coi như “đối tượng nguy hiểm”, thành “ván phóng dao” để dư luận phóng những lời độc địa. Chỉ vì văn hóa tranh luận méo mó, chỉ vì một môi trường tranh luận thiếu văn minh, thiếu phản biện và đầy tính chỉ trích cá nhân.

Luật sư Lê Việt Chuẩn, Đoàn Luật sư Bà Rịa - Vũng Tàu: Tranh luận giúp phát triển, nhục mạ thì phạm luật!

Quả thật, văn hóa tranh luận của một bộ phận người dân trong xã hội đang có dấu hiệu “biến tướng” đi. Thay vì bình tĩnh lắng nghe, phản bác từ tư duy và bằng lập luận để phát triển, người ta lại xông vào chửi bới những người có ý kiến khác mình, thậm chí, chửi một mình không đủ, còn kêu gọi nhau chửi, đe dọa, tẩy chay… như một cuộc đấu tố.

Rõ ràng, đó là hành xử nhằm thỏa mãn cái tôi cá nhân một cách tiêu cực và ích kỉ, phản tiến bộ. Từ các cuộc tranh cãi, nhiều hành vi quá khích đã đi tới mức vi phạm pháp luật.

Luật Công nghệ thông tin, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật An ninh mạng đã có những quy định về vấn đề không được xúc phạm, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác. Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin quy định, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Trường hợp hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác (Điều 155) hoặc tộiVu khống (Điều 156) Bộ luật Hình sự 2015.  N.Mai (ghi)