Vui mừng nhưng cảnh giác

(PLVN) - Từ 0h00 ngày 23/4, các tỉnh, thành cơ bản dừng cách ly toàn xã hội, không còn địa phương nào thuộc nhóm nguy cơ cao. Người dân 2 thành phố trọng điểm là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã “ùa” ra đường, phố xá đã trở lại đông đúc.
Kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covd-19 chiều 22/4, Thủ tướng nhấn mạnh “vui mừng nhưng cảnh giác”.
Kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covd-19 chiều 22/4, Thủ tướng nhấn mạnh “vui mừng nhưng cảnh giác”.

Tại TP Hồ Chí Minh, chiều tối 22/4, Sở Giao thông Vận tải thông báo cho xe taxi, xe du lịch và xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi được phép hoạt động trở lại từ ngày 23/4. Tuy nhiên, ngay sau đó văn bản này bị thu hồi, TP Hồ Chí Minh tiếp tục “siết chặt” vận tải.

Theo đó, vẫn cấm tất cả hoạt động giao thông đường bộ như: Các tuyến vận tải hành khách tuyến cố định, xe buýt, taxi, xe hợp đồng (bao gồm xe hợp đồng dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ) và xe du lịch đến khi có thông báo mới. Tương tự, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã thông tin cụ thể về những hoạt động được phép mở cửa trở lại từ ngày 23/4, cam kết Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Trong một diễn biến liên quan, thời gian tới, dự kiến sẽ có 13 chuyến bay của các hãng hàng không vận chuyển công dân Việt Nam từ  các “điểm nóng” về Covid-19 như Nhật Bản, Mỹ, Canada, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Singapore... về nước. Điều đó có nghĩa là nguy cơ chưa mất đi. Các nước trên thế giới và ngay cả các chuyên gia trong nước đã cảnh báo về “làn sóng thứ hai” của Covid-19.

Kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covd-19 chiều 22/4, Thủ tướng nhấn mạnh, “vui mừng nhưng cảnh giác”, chấp nhận tình trạng sống trong trạng thái có dịch, chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với phát triển kinh tế - xã hội.

Yêu cầu lớn đặt ra là không để đại dịch tàn phá đất nước. Sinh mạng của người dân là quan trọng nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, yêu cầu các cấp, các ngành ngăn chặn quyết liệt, không để dịch xâm nhập trở lại.

Phòng chống dịch tốt nhưng phải tạo năng lượng cho dòng chảy hàng hóa, khôi phục sản xuất kinh doanh, dịch vụ, giải quyết việc làm, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội. Đây là yêu cầu bức thiết hiện nay. Nguyên tắc, ngăn chặn triệt để dịch từ bên ngoài, dập dịch bên trong, chữa trị tích cực; thực hiện cách ly tất cả các trường hợp nhập cảnh vào nước ta, người có nguy cơ cao, là nguyên tắc được người đứng đầu Chính phủ khẳng định.

Việc xác định trạng thái “bình thường mới” này là cần thiết trong bối cảnh hiện chưa có vaccine và thuốc đặc trị, việc đeo khẩu trang là bắt buộc khi tham gia các hoạt động cộng đồng, thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, hạn chế tập trung đông người… là điều đương nhiên vì mỗi người và cộng đồng.

Nếp sống mới, tác phong làm việc mới cũng phải được xác lập. Covid-19, cho thấy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi trong mọi mặt đời sống xã hội không thể chậm trễ.

Việt Nam đã thắng gần như toàn bộ dịch Covid-19, điều không thể hân hoan hơn. Mừng nhưng cảnh giác, một lần nữa phải biến thành hành động Việt Nam, vì chiến thắng toàn cục đại dịch, một thảm họa vừa xảy ra với toàn cầu.