Sự sống kỳ diệu của bé sơ sinh nặng 7 lạng

Cháu bé kể trên là Hoàng Thị Mận, sinh non ở tuần thứ 28 vào ngày 11/9/2010, chỉ nặng 700 gam (nhẹ nhất từ trước đến nay). Ngày 20/12 vừa qua, cháu Hoài Phương đã xuất viện trong sự hồ hởi của cả gia đình lẫn tập thể các cán bộ, bác sỹ của BV Bạch Mai.
Cháu bé kể trên là Hoàng Thị Mận, sinh non ở tuần thứ 28 vào ngày 11/9/2010, chỉ nặng 700 gam (nhẹ nhất từ trước đến nay). Ngày 20/12 vừa qua, cháu Hoài Phương đã xuất viện trong sự hồ hởi của cả gia đình lẫn tập thể các cán bộ, bác sỹ của BV Bạch Mai.

Mẹ của bệnh nhi là sản phụ Hoàng Thị Nguyệt (28 tuổi - xóm Xuân Giang, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) mang thai 7 tháng bị nhiễm khuẩn huyết và có dấu hiệu chuyển dạ. Sau khi sinh cháu Mận, chị Nguyệt đã qua đời do nhiễm khuẩn huyết.
 
Sau khi chào đời và được hồi sức ban đầu tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW, cháu Mận được chuyển lên phòng Cấp cứu khoa Nhi, BV Bạch Mai.
 
Bác sỹ Trần Ngọc Tùng, người trực tiếp cấp cứu cho cháu Mận cho biết: “Bệnh nhi Mận nhập viện trong tình trạng rốn vừa cắt, toàn thân chưa được vệ sinh, vẫn còn nguyên những vết máu tươi của dịch ối và dây rốn. Thăm khám lâm sàng, bệnh nhi đang ở trong tình trạng hết sức nguy kịch: toàn thân tím tái do thiếu oxy lâu, không có phản xạ sơ sinh, không khóc, không tự thở. Dấu hiệu sinh tồn duy nhất tại thời điểm nhập viện là nhịp tim rời rạc với 50 – 60 lần/phút (nhịp tim của trẻ sơ sinh bình thường là 120 lần/phút). Tiên lượng tại thời điểm nhập viện: tỷ lệ tử vong gần như 100%”.

Anh Tỏa, bố cháu Hoài Phương, cùng lãnh đạo BV Bạch Mai ngày cháu Phương xuất viện
 
Bệnh nhi Mận được chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp, rối loạn thăng bằng kiềm toan, rối loạn điện giải, rối loạn đông máu, thiếu máu, rối loạn dung nạp sữa, rối loạn đường huyết.
 
Mọi thao tác cấp cứu hồi sức sơ sinh hiện đại nhất lập tức được tiến hành: thở oxy, bóp bóng, ép tim ngoài lồng ngực, đặt nội khí quản, thở máy và bơm Curosurf. Khoảng 20 phút sau, bệnh nhi đã có dấu hiệu sinh tồn: cơ thể hồng hào, nhịp tim ổn định 120 lần/phút.
 
Sau hơn 3 tháng điều trị chăm sóc tích cực, trọng lượng của cháu Hoàng Thị Mận đã đạt 3,1kg, các chỉ số đánh giá sự phát triển đều nằm trong giới hạn bình thường. Khoa Nhi đã cung cấp các kiến thức – kỹ năng và hướng dẫn gia đình chăm sóc nuôi dưỡng cháu.
 
Bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết: “Với trẻ sinh non dưới 1kg, tỷ lệ được cứu sống ở Việt Nam là 10%-20%. Việc cấp cứu thành công cho cháu Mận là một “công trình” kỷ niệm 100 năm thành lập BV Bạch Mai”.
 
Sau khi cháu Hoàng Thị Mận được cứu sống, bố cháu là anh Hoàng Văn Tỏa đã quyết định đổi tên cháu thành Hoàng Thị Hoài Phương.
 
Trước hoàn cảnh quá khắc nghiệt của cháu bé (mẹ mất ngay sau sinh, gia đình làm nghề thuần nông, lại bị ngập hết trong đợt lũ lụt lịch sử của miền Trung vừa qua), Ban Giám đốc BV Bạch Mai đã quyết định miễn 100% viện phí, đồng thời trích từ quỹ của BV 3 triệu đồng để hỗ trợ.
           
Ngoài ra, bệnh viện còn thông qua các cơ quan thông tấn báo chí để kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp từ thiện góp phần cùng bệnh viện và gia đình nuôi sống cháu Hoài Phương. Đến nay, số tiền quyên góp cho cháu Phương đã lên đến trên 100 triệu đồng.
 
Ngày 20/12 vừa qua, cháu Hoài Phương đã xuất viện trong sự hồ hởi của cả gia đình lẫn tập thể các cán bộ, bác sỹ của BV Bạch Mai.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã gửi tặng 4 triệu đồng để mua sữa cho cháu. Được biết, đây là tiền cá nhân của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu.
 
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng và Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đã  gửi lời khen ngợi đến tập thể các thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai đã đem hết khả năng chuyên môn, áp dụng các kỹ thuật hiện đại và cái tâm của người thầy thuốc để cứu sống và nuôi dưỡng thành công cháu Hoài Phương.
 
Theo Cẩm Quyên
VietNamNet

Đọc thêm