Thời gian qua, dư luận tỉnh Nghệ An xôn xao trước thông tin trường trung cấp Việt - Anh có nhiều sai phạm dẫn tới nguy cơ có thể bị dừng tuyển sinh. Sự việc khiến cho học sinh và giáo viên của trường hết sức hoang mang. Tuy nhiên, điều tra riêng của nhóm phóng viên PLVN cho thấy sự thực không phải như vậy.
Kỳ 1: “Náo loạn” vì một lá đơn
Trường trung cấp nghề Việt - Anh (số 2, Nguyễn Chí Thanh, TP Vinh, Nghệ An), được thành lập năm 2007, chính thức tuyển sinh từ năm 2009 với các ngành nghề chính là: kế toán, du lịch, dược sỹ và y sỹ. Với diện tích gần 3ha, tổng đầu tư giai đoạn 1 lên tới 60 tỷ đồng ( giai đoạn 2 hơn 25 tỷ đồng), trường Việt Anh được đánh giá là trường tư thục có cơ sở vật chất hàng đầu ở tỉnh Nghệ An nói riêng, miền Bắc nói chung.
Bên cạnh đó, nhà trường rất chú trọng tới chất lượng đào tạo nên đã đầu tư bài bản cho công tác này với đội ngũ giảng viên uy tín, có học hàm, học vị cùng kinh nghiệm và phương pháp sư phạm tốt. Đồng thời, đầu tư giáo trình, giáo án và phương pháp đào tạo học đi đôi với thực hành, gắn đào tạo lý thuyết với hành nghề thực tiễn.
Chính bởi phương pháp giáo dục tiên tiến này mà sinh viên của trường Việt Anh ra trường dễ dàng tìm được việc làm phù hợp, uy tín của trường Việt Anh ngày càng được nâng cao. Nhiều học sinh trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Quảng Bình cũng về đây học.
|
Một góc nhỏ trường trung cấp Việt - Anh |
Thế nhưng bỗng nhiên vào khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8/2013 rộ lên các thông tin: trường Việt - Anh có nhiều sai phạm như: liên kết trái phép, Ban giám hiệu và các giáo viên giảng dạy tại trường không có bằng cấp chuyên ngành, có tiêu cực trong thi cử, thực tập…Những thông tin này được xác định xuất phát từ lá đơn của một người tên là Nguyễn Văn Bách. Tuy nhiên, những “sai phạm của trường Việt Anh theo phản ánh của người có tên Nguyễn Văn Bách này không có hồ sơ hay bằng chứng kèm theo, chỉ là những phản ảnh chung chung. Người có tên Nguyễn Văn Bách đề trong lá đơn chỉ ghi TP Vinh mà không có địa chỉ cụ thể.
“Trường Việt - Anh hiện có 80 cán bộ, giáo viên thì có tới 23 người là thạc sỹ chuyên ngành, 23 bác sỹ, dược sỹ, đều tốt nghiệp ĐH Y, ĐH dược Hà Nội. Bộ Y tế đã vào kiểm tra sát hạch lại đội ngũ giáo viên của chúng tôi và đánh giá đội ngũ của chúng tôi đạt chuẩn. Năm vừa rôi chúng tôi có 5 giáo viên đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh, 1 giáo viên đạt giỏi quốc gia. Chúng tôi rất coi trọng chất lượng đào tạo vì vậy không có cơ sở để khẳng định giáo viên của chúng tôi không có bằng cấp chuyên ngành. Bản thân tôi là phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo, tôi có bằng thạc sỹ chuyên ngành giải phẫu của trường ĐH Vinh, vậy nên thông tin nói tôi không có bằng cấp chuyên môn mà phụ trách chuyên môn đào tạo y, dược là sai sự thật”, thầy Lê Văn Đức, Phó hiệu trưởng trường Việt - Anh khẳng định.
Thầy Phan Huy Hoàng, hiệu phó trường Việt - Anh, người bị “tố” không có bằng Đại học hết sức bức xúc phản ảnh: tháng 2/1975, tôi được nhà nước cử đi học ở Bungari, ngành nông nghiệp. Sau đó, tôi ở lại Bungari làm việc hơn 7 năm mới về nước. Bằng cao đẳng của tôi do Bungari cấp, được công nhận trên toàn thế giới. Việt Nam không thể không công nhận bằng của Bungari đã cấp. Hơn nữa, tôi là một trong những nhà đầu tư vào trường, việc Hội đồng quản trị quyết định bổ nhiệm tôi là hiệu phó phụ trách trị sự không có gì là vi phạm cả”, ông Hoàng nói.
Về thông tin liên kết trái phép với trường ASEAN, ông Hoàng đưa ra hồ sơ cho thấy: khi trường Việt - Anh liên kết đào tạo với trường ASEAN là có sự cho phép của Sở GD&ĐT Nghệ An. Thời điểm liên kết xảy ra trước khi có thông tư 55 của Bộ GD&ĐT. Sau đó, khi có thông tư mới, lẽ ra nhà trường phải chuyển học sinh ra Hà Nội học thay vì học tập trung các môn chung tại Nghệ An nhưng xét thấy trường có đủ cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để đảm bảo chương trình chung nên đã để học sinh học tại trường. Sai phạm của trường Việt Anh trong liên kết với trường ASEAN đã có kết luận của Sở GD&ĐT Nghệ An và trường Việt - Anh sau đó đã bị xử phạt 5 triệu đồng. Gần 200 học sinh theo chương trình liên kết này đã được chuyển ra Hà Nội học tập trung theo đúng quy định mới của Bộ GD&ĐT.
|
Học sinh trường trung cấp Việt Anh hoang mang trước những thông tin thất thiệt về trường |
Trao đổi với phóng viên PLVN, ông Thái Huy Vinh, Phó giám đốc sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, Sở có nhận được đơn thư nặc danh của người tên Nguyễn Văn Bách về bằng cấp của ông Hoàng nhưng Sở thấy rằng nhiều năm qua tuy là trường tư nhưng trường Việt - Anh và ông Hoàng – là người đầu tư thành lập trường đều có tâm và làm việc thực chất, có hiệu quả nên vẫn để ông Hoàng giữ vị trí đó. Ông Vinh cũng cho rằng những thông tin về trường Việt - Anh nói trên chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân “ghen ăn tức ở” mà thôi.
Thế nhưng không hiểu sao Bộ GD&ĐT lại có chỉ đạo cho Sở GD&ĐT Nghệ An xem xét, giải quyết lá đơn nặc danh này, thậm chí còn có thông tin có thể dừng tuyển sinh khiến cho trường hết sức bức xúc còn học sinh thì hoang mang. Trả lời phóng viên về quan điểm của Sở GD&ĐT trong việc phải đi giải quyết đơn thư nặc danh, ông Vinh cho biết dù đơn thư phản ảnh là nặc danh nhưng Bộ đã chỉ đạo thì Sở phải làm, song quan điểm là sai đến đâu xử lý đến đó, chưa đến mức phải dừng tuyển sinh. “Việc dừng tuyển sinh liên quan đến “số phận” của rất nhiều giáo viên, học sinh. Tất cả đều phải làm theo quy định của pháp luật”, ông Thái Huy Vinh khẳng định.
Trong cuộc làm việc với nhóm phóng viên sáng nay, 19/8, ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho biết, đơn của người tên Nguyễn Văn Bách gửi qua e.mail, không có chữ ký của người gửi. Lý giải việc biết là đơn nặc danh nhưng Bộ vẫn chỉ đạo Sở kiểm tra, ông Vinh cho rằng văn bản của Bộ chỉ yêu cầu Sở kiểm tra, nếu có sai phạm thì báo cáo thôi chứ không phải kiểm tra, xử lý. “Thư này nhận qua mail, Bộ cũng đã xử lý nhiều trường hợp tương tự. Việc gửi văn bản cho Sở giáo dục Nghệ An chỉ là đánh động thôi, đây chỉ là kiểm tra thôi. Sở phải đi kiểm tra, rồi báo cáo ra sau đó mới có phương án xử lý”, ông Vinh cũng cho biết nguyên tắc của Bộ GD&ĐT là : dùng công luận để …xử lý tiêu cực???.
Chỉ là kiểm tra thông thường chứ không phải kiểm tra để xử lý sai phạm, lá đơn với những phản ảnh chung chung, vô căn cứ hoặc có hiện tượng nhưng bản chất không phải sai phạm trầm trọng tới mức dừng tuyển sinh hay đóng cửa nhà trường, thế nhưng thực tế trường Việt - Anh đã bị làm cho “náo loạn”.
Sự việc của trường Việt - Anh cũng tương tự như vụ việc “những thông tin rúng động ngành giáo dục Hải Phòng” mà PLVN cùng nhiều tờ báo đã phản ảnh mới đây. Sự thật và thông tin “rúng động” khác xa nhau nhưng được “lập lờ đánh lận con đen” để triệt hạ uy tín của nhà trường. Đây là một hiện tượng xấu mới phát sinh cần được Bộ giáo dục lưu ý, cẩn trọng khi xem xét nhưng loại “thông tin rúng động”, chứ không phải dùng công luận để xử lý tiêu cực như quan điểm ông Vụ trưởng đưa ra!
PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.
Khoản 2 Điều 9 Luật Tố cáo (có hiệu lực từ ngày 1-7-2012) quy định: Người tố cáo có nghĩa vụ nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình; bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra. Khoản 2 Điều 19 Luật Tố cáo quy định: “Trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ, tên, địa chỉ của người tố cáo; nội dung tố cáo. Đơn tố cáo phải do người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ”. |
Nhóm PVĐT
Xem tiếp kỳ 2: Thầy cô, học trò và các bệnh viện có học sinh của trường Việt - Anh thực tập nói gì?