Sư tử, linh dương và ôtô Việt

“Mỗi sáng ở châu Phi, một con linh dương thức dậy, nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn cả con sư tử

“Mỗi sáng ở châu Phi, một con linh dương thức dậy, nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn cả con sư tử chạy nhanh nhất, nếu không nó sẽ bị giết. Mỗi sáng một con sư tử thức dậy, nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất, hoặc nó sẽ bị chết đói. Điều quan trọng không phải việc bạn là sư tử hay linh dương. Khi mặt trời mọc, bạn nên bắt đầu chạy.”

Hẳn là với nhiều người, câu chuyện về sư tử và linh dương có thể “vận” vào nhiều câu chuyện khác, riêng có và chung cũng có. Dù chưa thấy được mối liên hệ rõ ràng nào, nhưng thời gian gần đây người viết cứ bị ám ảnh bởi câu chuyện này mỗi khi suy ngẫm về tương lai của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Vì sao vậy?

Cuộc sống tự nhiên vốn dĩ phức tạp và khốc liệt. Trong một chu trình sống, bất cứ cá thể nào cũng khó tránh khỏi việc trở thành “miếng mồi” của cá thể khác. Bởi vậy, với cả sử tử lẫn linh dương, để tồn tại, chúng phải luôn tự ý thức được rằng chúng phải chạy, và chạy hết sức mình.

Trong một nền kinh tế thị trường, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, các loại sản phẩm trên cùng một thị trường cũng có sự cạnh tranh khốc liệt chẳng kém. Điểm khác là chúng ở cùng một “sân chơi” và chúng có môi trường tồn tại giống nhau. Vì vậy, sự cạnh tranh càng khó khăn hơn.

Thu hẹp câu chuyện về ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Việc các cánh cửa hội nhập liên tiếp mở ra và nền kinh tế thị trường tạo nên một “thế giới phẳng” với vô số cơ hội và thách thức đã dần tạo nên một cuộc chạy không còn là marathon nữa mà chỉ là một cú nước rút cuối cùng để hoặc tồn tại và phát triển, hoặc chấm dứt.

Nếu nói rằng việc nhận thức về nguy cơ sụp đổ của ngành công nghiệp ôtô trong nước khi công cuộc hội nhập kinh tế sâu rộng ngày càng cận kề là quá muộn thì chưa hẳn đúng. Bởi lẽ, gần nhất cũng đã quá nửa thập niên rồi, các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo nguy cơ thất bại của ngành công nghiệp ôtô trong nước nếu không bắt đầu ngay một cuộc chạy đua cự ly ngắn. Sai lầm nằm ở chỗ, dù đã nhận thức được “mối họa” từ sớm song chúng ta vẫn chưa bỏ được thói quen cố hữu là cứ đủng đỉnh rồi “nước đến… ngang lưng mới giật mình mà nhảy”.

Nhiều người vẫn cho rằng với ngành công nghiệp ôtô Việt Nam thì nước giờ đâu đã đến chân. Nhưng với nhiều người khác, thực sự thì nước không chỉ đến mà đã thấm ngang lưng rồi. Bởi lẽ, một ngành siêu công nghiệp như ôtô vốn phức tạp và có những đặc điểm khác biệt không thể nhầm lẫn với nhiều ngành công nghiệp tiêu dùng khác. Nên, nếu không nhảy ngay và dồn hết sức bình sinh mà chạy như thể con linh dương cố thoát khỏi móng vuốt sư tử hoặc ngược lại, như thể sư tử cố mà bắt con mồi nếu muốn tiếp tục sống, thì thất bại và hoàn toàn sụp đổ là viễn cảnh không khó hiểu với công nghiệp ôtô.

Có lẽ cũng vì thế mà chiếc xe chiến lược đã được đề xuất. Nhưng “vẽ” ra xe chiến lược thì dễ, làm được và làm thành công nó mới là việc khó. Lẽ ra, nếu coi xe chiến lược như một đòn bẩy thực sự thì phải làm nó từ lâu rồi chứ không phải đến bây giờ mới tranh cãi về những sở trường sở đoản của nó để đi đến việc có lựa chọn hay không. Lẽ ra, với nguy cơ bị xe nhập khẩu “dồn ép” theo lộ trình hội nhập ngày càng tiến sát thì một cuộc chạy nước rút đã phải bắt đầu từ ít nhất nửa thập niên trước. Lẽ ra, đừng để đến khi phải viện đến những cái “lẽ ra” thì biết đâu công nghiệp ôtô Việt Nam đã có mặt trên bản đồ công nghiệp ôtô thế giới, như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia chẳng hạn.

Nói vậy không phải công nghiệp ôtô Việt Nam đã hoàn toàn hết cơ hội. 8 năm cũng không phải là quãng đường quá ngắn ngủi cho một cuộc chạy sinh tử nếu ngay bây giờ chúng ta bật dậy và bắt đầu vượt lên.

Nếu coi công nghiệp ôtô Việt Nam như một chú linh dương và công nghiệp ôtô thế giới như một chú sư tử thì để tồn tại, hẳn nhiên chúng ta phải chạy và chạy thật sự. Còn nếu coi công nghiệp ôtô Việt Nam như một chú sư tử và thị trường ôtô như một chú linh dương, chúng ta cũng sẽ phải chạy. Mọi sự so sánh vốn dĩ đều là khập khiễng bởi công nghiệp ôtô không giống như sư tử đuổi theo để ăn thịt và cũng không thể coi bất cứ thị trường nào như một miếng mồi theo nghĩa đen đơn thuần. Nhưng so sánh thế để thấy rõ được nguy cơ và cả cơ hội cho tương lai của cả một ngành công nghiệp được đánh giá là mũi nhọn.
 

Đọc thêm