Theo đơn, tháng 3/2021, gia đình ông Diện gom góp vay ngân hàng mua mảnh đất số 689, tờ bản đồ số 20 phường Bình Trưng Đông; địa chỉ số 16 Nguyễn Trung Nguyệt. Theo Sổ đỏ CL165856, thửa đất diện tích 60,1m2, mục đích sử dụng “đất ở tại đô thị”; được tách từ thửa số 534.
Trước đó, trong quá trình sang tên, các bên từng “thót tim” khi ngày 12/1/2021, Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) Chi nhánh quận 2 (nay là Thủ Đức) có văn bản cho biết, mảnh đất trên có “vướng mắc”. Theo đó, từ giữa 2020, UBND quận 2 đã có Quyết định 1879/QĐ-UBND-TTr thành lập tổ kiểm tra việc tách thửa từ thời khu đất còn nằm trong thửa số 534.
Thế nhưng sau hơn nửa năm, tổ kiểm tra vẫn chưa ra kết luận kiểm tra. Vì vậy UBND phường chưa xem xét xác nhận tờ khai thuế của ông Diện.
Ông Diện đã trực tiếp tìm hiểu các hộ dân trong khu vực, đều nhận được trả lời không có tranh chấp với thửa đất 689. Ông Diện có ý kiến và VPĐKĐĐ đã ghi nhận. Ngày 16/3/2021, VPĐKĐĐ vào sổ, xác nhận thửa đất được sang tên ông Diện.
“Cả gia đình vui mừng mua được mảnh đất ưng ý và dự định xây nhà ngay, thoát cảnh thuê nhà. Chúng tôi cứ nghĩ UBND quận 2 và phường Bình Trưng Đông đã giải quyết xong chuyện khiếu nại nào đó. Vì không còn vướng mắc thì VPĐKĐĐ mới sang tên cho tôi. Và đã có đất ở đô thị hợp pháp thì chắc chắn phải được cấp giấy phép xây dựng”, ông Diện nói.
Thế nhưng, khi nộp hồ sơ xin cấp giấy phép xây nhà ở riêng lẻ tại khu đất trên, “đùng một cái” ngày 8/11/2021, thừa ủy quyền Chủ tịch UBND Thủ Đức, Trưởng phòng Quản lý Đô thị Nguyễn Thị Đoan Trang có văn bản trả lời: “Vị trí thửa đất trên có nguồn gốc tách thửa từ thửa đất số 20, tờ bản đồ số 20. Hiện đang có đơn khiếu nại của các hộ dân hẻm 18 về việc tách thửa cấp giấy chứng nhận tại vị trí thửa đất trên. UBND Thủ Đức đang thụ lý đơn khiếu nại này. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng của ông chưa có cơ sở xem xét giải quyết; chờ kết quả giải quyết đơn khiếu nại nêu trên”.
Ông Diện không đồng ý với trả lời trên. Theo ông, thứ nhất, VPĐKĐĐ đã sang tên cho ông với thửa đất trên, nên UBND Thủ Đức từ chối cấp giấy phép xây dựng là các cơ quan chức năng mâu thuẫn với nhau trong cùng một sự việc. Thứ hai, các hộ dân trong hẻm 18 đều trả lời không có tranh chấp với thửa đất của ông. Thứ ba, thửa đất 689 tách từ thửa số 534, nhưng bà Trang lại cho rằng “có nguồn gốc tách thửa từ thửa đất số 20”. “Phải chăng cán bộ và UBND Thủ Đức đã nhầm lẫn với thửa đất nào đó?”, ông Diện đặt vấn đề.
Khi PV liên hệ với UBND phường Bình Trưng Đông, được trả lời chung chung “việc tách thửa đất này bắt đầu vào năm 2018, các hộ dân trong hẻm 18 gửi đơn khiếu nại về việc tách thửa. Khu đất hiện trong diện thanh, kiểm tra, đến nay chưa có kết quả”.
Đánh giá về sự việc, một luật sư (LS) thuộc Đoàn LS TP HCM nhận xét, hồ sơ cho thấy trong quá trình cấp giấy cho chủ cũ và sang tên cho ông Diện, có cả một quá trình xem xét các quy trình, thủ tục từ phường tới quận. Nếu thửa đất có vướng khiếu kiện thì cơ quan chức năng đã không thực hiện các thủ tục trên.
“Ông Diện hiện có đầy đủ các quyền của người sử dụng đất, quyền xin cấp giấy phép xây dựng nhà theo quy định. Cán bộ địa phương không thể “lúc nắng, lúc mưa”. Thông tin còn cho thấy cán bộ địa phương chưa thực hiện hết trách nhiệm khi kiểm tra khiếu nại của các hộ dân hẻm 18. Đã hơn một năm rưỡi nhưng tổ kiểm tra vẫn chưa ra kết luận, rồi mọi hệ lụy hậu quả trong suốt thời gian này người dân phải gánh chịu”, LS nói.
Cũng theo LS, nếu có khiếu nại trong trường hợp này, không phải là quan hệ tranh chấp đất đai nên Thủ Đức không có quyền hạn chế quyền của người sử dụng đất. “Muốn hạn chế quyền sử dụng đất của ông Diện thì phải có quyết định của tòa án hoặc UBND. Thậm chí muốn yêu cầu hạn chế quyền, UBND Thủ Đức phải “ký quỹ” để đảm bảo bồi thường trong trường hợp yêu cầu của mình không đúng quy định, gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp hạn chế”. LS tư vấn ông Diện có thể khiếu nại hoặc khởi kiện hành vi hành chính của UBND Thủ Đức.
PV đã liên hệ với UBND TP Thủ Đức từ ngày 29/11/2021 để làm rõ các thông tin bạn đọc phản ánh, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.