Sự việc khu đất bị 'cắt khúc' xử lý nhiều lần: UBND tỉnh Khánh Hòa chuyển TP Nha Trang xử lý giải quyết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới đây, PLVN có bài viết “Nha Trang (Khánh Hòa): Vụ kiện liên quan khu đất bị phường “cắt khúc” xử lý nhiều lần”, phản ánh việc Cty TNHH Bãi Tranh Island (trụ sở hẻm 189 Trần Phú, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang) liên tục bị chính quyền địa phương kiểm tra, “cắt khúc” từng đoạn trong cùng khu đất để xử lý; có dấu hiệu chưa phù hợp pháp luật.
Công trình phục vụ ăn ở đi biển và vá lưới được ngư dân cho rằng chuyển nhượng cho Cty. (Ảnh: Bùi Yên)
Công trình phục vụ ăn ở đi biển và vá lưới được ngư dân cho rằng chuyển nhượng cho Cty. (Ảnh: Bùi Yên)

Một số nội dung chưa rõ ràng trong sự việc, PV đã đặt câu hỏi với UBND phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa vào ngày 23/11/2023. Ngày 29/11/2023, UBND tỉnh có Văn bản 12570/UBND-XDNĐ chuyển nội dung sự việc đến UBND TP Nha Trang xem xét giải quyết theo quy định.

Cty giải trình về thông tin “chiếm đất công”

Theo ông Lê Bá Toàn, đại diện Cty, toàn bộ khu đất (gồm cả 2 lần bị xử phạt và 1 đoạn chưa xử lý) là của hộ gia đình ông Hồ Thắng sử dụng từ trước 1975 và vợ chồng con gái ông Thắng là bà Hồ Thị Mỹ Liên (GĐ Cty) nhận chuyển nhượng từ vợ chồng ông Dương Văn Chim - bà Phan Thị Nuôi từ 1999.

Năm 2001, thực hiện chủ trương khuyến khích phát triển du lịch biển đảo, vợ chồng bà Liên lập Hộ kinh doanh Minh Bảy hoạt động du lịch, đến 2004 đổi tên thành DNTN Minh Bảy.

Với khu đất bị xử lý lần đầu theo Quyết định 6181/QĐ-KPHQ ngày 22/11/2022, quá trình kinh doanh, bà Liên trồng cây, làm đường đi, cất chòi cho du khách nghỉ ngơi, tham quan. Với khu đất bị xử lý theo Quyết định 13941/QĐ-XPHC ngày 8/9/2023, do ông Hồ Thắng cất tạm khi đi biển, nuôi ốc hương, đã nhiều năm tôn tạo. Năm 2016, ông Thắng chuyển nhượng công trình trên cho Cty với giá 300 triệu đồng.

Cty cho rằng đã nộp giải trình, hợp đồng chuyển nhượng với ông Hồ Thắng. Phía ông Thắng cũng đã nộp giải trình nêu rõ nguồn gốc, quá trình sử dụng đất và công trình trên đất. Trong giải trình, ông Thắng nêu: “Trước 1975, tôi khai hoang khu đất phía Nam giáp đất ông Võ Văn Hường, phía Tây giáp đất ông Chim. Tôi dựng công trình để phục vụ ăn ở đi biển và vá lưới. Sau đó tôi chuyển cho con gái để tiếp tục sử dụng, tôn tạo và hình thành nhà hàng “Biển Tiên”. Tôi nhích về phía Bắc, dựng nhà sàn tổng diện tích khoảng 200m2, năm 2016 chuyển nhượng lại cho Cty”.

Trong nhiều biên bản và văn bản, Cty đều đề nghị phường cung cấp thông tin, hồ sơ xác định “đất bãi bồi ven biển” do phường quản lý; thời điểm thực hiện việc chiếm đất, xây dựng công trình; các văn bản liên quan việc kiểm tra, xử lý như “chỉ đạo của cấp trên, chỉ đạo của lãnh đạo phường” (được nêu trong các biên bản) nhưng không được chấp nhận.

Đại diện Cty nói: “Khu đất dù chưa có sổ đỏ nhưng đã sử dụng lâu dài, ổn định. Việc xây dựng công trình, cải tạo trên đất trải qua mấy chục năm. Nếu địa phương nói Cty “chiếm” thì cần đưa ra chứng cứ”.

Văn bản UBND tỉnh Khánh Hòa chuyển nội dung sự việc đến UBND TP Nha Trang. (Ảnh: Bùi Yên)

Văn bản UBND tỉnh Khánh Hòa chuyển nội dung sự việc đến UBND TP Nha Trang. (Ảnh: Bùi Yên)

Muốn xử lý, cần chứng minh có vi phạm

LS Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP HCM) cho hay, theo khoản 2 Điều 141; khoản 1 Điều 164 Luật Đất đai, đất bãi bồi ven biển, đất chưa sử dụng do UBND phường có trách nhiệm quản lý, bảo vệ và đăng ký vào hồ sơ địa chính.

“Như vậy, nếu phường xác định là đất bãi bồi ven biển chưa sử dụng do phường quản lý thì phải có hồ sơ địa chính với khu đất này. Việc đăng ký hồ sơ địa chính thời điểm nào để xác định hành vi “chiếm đất” có trước hay có sau để xác định việc cá nhân, tổ chức có được tiếp tục sử dụng hoặc được cấp sổ đỏ hay không?”, LS nói.

“Căn cứ điểm b, đ khoản 2 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền chứng minh mình không vi phạm hành chính. Và việc xử phạt được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định”.

“Do đó, việc Cty đề nghị UBND phường và TP Nha Trang cung cấp Văn bản 162/UBND-VP ngày 10/01/2023 của UBND TP về việc triển khai kiến nghị việc giải quyết đơn trên địa bàn TP; văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND phường về thực hiện Văn bản 162; thông tin “đất do phường quản lý” và thời điểm Cty vi phạm là hoàn toàn đúng đắn. Cơ quan chức năng cần cung cấp để chứng minh Cty đã vi phạm. Nếu không chứng minh được Cty vi phạm thì không thể xử lý hành chính được”, LS nhận định.

Các công trình bị địa phương xác định “vi phạm” của Cty trên nằm trên khu đất khoảng 3.800m2 tiếp nối khu đất đã có sổ đỏ của Cty trên đảo Trí Nguyên.

Ngày 18/10/2022, phường lập biên bản vi phạm về hành vi “lấn chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị” với diện tích 20m x 110m (2.200m2) để xây dựng công trình và trồng cây. Theo biên bản, khu đất này không có số tờ số thửa, chỉ xác định tiếp giáp thửa đất tiểu khu 578b thuộc Bãi Miễu. Không rõ vì sao phường không xem xét toàn bộ khu đất 3.800m2, mà chỉ “cắt khúc” 2.200m2 phía Nam để xử lý.

Ngày 22/11/2022, UBND Nha Trang có Quyết định 6181/QĐ-KPHQ buộc Cty khắc phục hậu quả. Cty khởi kiện, đề nghị hủy Quyết định 6181. Ngày 12/6/20223, TAND tỉnh thụ lý vụ kiện.

Khi vụ kiện đang được giải quyết, thì ngày 17/5/2023, UBND phường phối hợp Phòng TN&MT, Ban Quản lý vịnh Nha Trang tiếp tục lập biên bản kiểm tra khu đất. Biên bản xác định ở phía Bắc khu đất, có công trình kết cấu cột gỗ, sàn gỗ, mái tôn diện tích 242m2, một phần nằm trên bãi sỏi, một phần nằm trên mặt nước biển. Sau nhiều lần xác minh, đo vẽ, lập bản đồ, UBND phường cho rằng Cty “chiếm đất bãi bồi do phường quản lý” tại khu đất không có số thửa, tờ bản đồ số 4 (bản đồ lâm nghiệp) diện tích 379,3m2 (trên đất có công trình xây dựng 265,4m2).

Ngày 8/9/2023, Chủ tịch UBND TP ra Quyết định 13941/QĐ-XPHC xử phạt Cty 16 triệu đồng, buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất, trả lại đất đã chiếm. Không đồng ý, Cty khiếu nại. Đơn khiếu nại đã được thụ lý.

Đọc thêm