Sửa đổi thủ tục TGPL để nâng cao hiệu quả

 Sau khi Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2006 có hiệu lực, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã quy định, hướng dẫn chi tiết, cụ thể các thủ tục về yêu cầu TGPL, kiến nghị thi hành pháp luật trong TGPL và cộng tác viên TGPL. Tuy nhiên, qua một thời gian thực hiện, các văn bản này đã bắt đầu bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Sau khi Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2006 có hiệu lực, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã quy định, hướng dẫn chi tiết, cụ thể các thủ tục về yêu cầu TGPL, kiến nghị thi hành pháp luật trong TGPL và cộng tác viên TGPL. Tuy nhiên, qua một thời gian thực hiện, các văn bản này đã bắt đầu bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Chưa thuận lợi hoàn toàn

Cụ thể, về Nghị định số 07/2007/NĐ-CP, một số quy định về đối tượng được trợ giúp không còn phù hợp, quy định về ngạch Trợ giúp viên pháp lý gây khó khăn cho việc áp dụng… Hay tại Thông tư số 05/2008/TT-BTP, quy định về TGPL lưu động và sinh hoạt câu lạc bộ TGPL còn chưa cụ thể, rõ ràng; chưa có sự thống nhất trong quy định về đánh giá chất lượng vụ việc trong Thông tư này với Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL ban hành kèm theo Quyết định số 11/2008/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp…

Riêng với Quy chế cộng tác viên ban hành kèm theo Quyết định số 05/2008/QĐ-BTP, phần mô tả nội dung mẫu thẻ cộng tác viên tại khoản 1 Điều 6 của Quy chế cộng tác viên chưa thống nhất và chưa hợp lý; các quy định về khen thưởng, xử lý vi phạm, khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp và điều khoản thi hành không còn phù hợp với quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008…

Trong khuôn khổ Chương trình Đối tác Tư pháp, Cục TGPL (Bộ Tư pháp) đã tiến hành hoạt động khảo sát các nhóm thủ tục yêu cầu TGPL, kiến nghị thi hành pháp luật trong TGPL và cộng tác viên TGPL. Hoạt động này giúp Cục đánh giá toàn diện thực trạng các nhóm thủ tục cũng như tạo cơ sở quan trọng để phục vụ việc xây dựng văn bản sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn nêu trên và các văn bản liên quan khác.

Qua tọa đàm về kết quả khảo sát do Cục tổ chức trong 3 ngày 12-14/7 cho thấy: 70,7% số người được hỏi cho rằng thủ tục yêu cầu TGPL đã đơn giản, thuận tiện và 62,2% số người được hỏi cho rằng thủ tục liên quan đến cộng tác viên TGPL đã đơn giản, thuận tiện. Như vậy, hai nhóm thủ tục này chưa tạo thuận lợi hoàn toàn cho các đối tượng tham gia vào thủ tục. Về số lượng các vụ việc kiến nghị thì theo kết quả khảo sát, có ít nhất 45% số người được hỏi chưa từng tham gia một vụ việc kiến nghị nào; còn trong số những vụ việc kiến nghị được thực hiện, hình thức kiến nghị giải quyết vụ việc chiếm đa số với tỷ lệ 72,3%. 

Cần sửa đổi, bổ sung

Bên cạnh đó, Mục V Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ đã quy định phải sửa đổi một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực TGPL như: Thủ tục yêu cầu TGPL phải quy định rõ số lượng hồ sơ phải nộp là 1 bộ, quy định thời hạn giải quyết là ngay sau khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, bãi bỏ thông tin về nghề nghiệp trong mẫu Đơn đề nghị TGPL; Thủ tục thay đổi người thực hiện TGPL phải quy định rõ số lượng hồ sơ phải nộp là 1 bộ, pháp lý hóa nội dung thủ tục hành chính này; Thủ tục đề nghị tham gia làm cộng tác viên phải quy định rõ số lượng hồ sơ phải nộp là 1 bộ; thẩm quyền xác nhận thời gian công tác pháp luật và xác nhận người có uy tín trong cộng đồng là UBND cấp xã, bãi bỏ sơ yếu lý lịch trong thành phần hồ sơ, bãi bỏ quy định về thời hạn có giá trị của thẻ cộng tác viên TGPL…

Vì vậy, cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị định số 07/2007/NĐ-CP, Quyết định số 05/2008/QĐ-BTP và Thông tư số 05/2008/TT-BTP để khắc phục những tồn tại nảy sinh trong quá trình thực hiện của các văn bản hướng dẫn này và thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết số 52/NQ-CP.  Đồng thời, cũng cần sửa đổi, bổ sung hay ban hành mới các văn bản pháp luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến các nhóm thủ tục TGPL để bảo đảm sự đồng bộ, hiệu quả cho các thủ tục.

Gia Lâm

Đọc thêm