Sửa Nghị định 122/2016/NĐ-CP: Nghị định ban hành theo Thông tư!

(PLO) - Sau 1 năm triển khai Nghị định 122/2016/NĐ-CP Bộ Tài chính đang gấp rút soạn thảo Nghị định thay thế trình Chính phủ ban hành trong tháng 9 này. Một trong những căn cứ quan trọng để soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 122/2016/NĐ-CP là Thông tư 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 ban hành danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam...
Họp báo của Bộ Tài chính về Thông tư 65/2017;TT-BTC và dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 122/2016/NĐ-CP
Họp báo của Bộ Tài chính về Thông tư 65/2017;TT-BTC và dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 122/2016/NĐ-CP

Tại buổi họp báo chuyên đề do Bộ Tài chính tổ chức sáng ngày, 1/9, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính khẳng định, việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định 122/2016/NĐ-CP là cần thiết.

Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mực hàng hóa và mức thuế tuyện đối, thuế hỗ hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan được ban hành ngày 1/9/2016.  Nhưng sau đó, theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 109/NQ-CP ngày 28/12/2016 phê duyệt Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2017 (Danh mục AHTN 2017) trong đó quy định ”Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Danh mục AHTN 2017”, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 ban hành danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam với hiệu lực thi hành từ 01/01/2018, thay thế cho Thông tư 103/2015/TT-BTC ngày 01/7/2015 (danh mục HHXNK 2017)

Theo quy định của Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định chi thiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan “ Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam được sử dụng để xây dựng các Biểu thuế áp dụng đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu” vì vậy, để thống nhất trong thực hiện Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2017 theo cam kết trong nội khối ASEAN và quy định của Nghị định 08/2015/NĐ-CP, ngoài việc ban hành Thông tư số 65/2017/TT-BTC, Bộ Tài chính cũng phải trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 122/2016/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung danh mục biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Nghị định này. 

Theo Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính Nguyễn Thị Thanh Hằng, việc chuyển đổi danh mục HHXNK 2017 (ban hành kèm theo Thông tư  65/2017/TT-BTC) dẫn đến có sự thay đổi về thuế suất thuế xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu. Danh mục HHXNK 2017 gồm 10.813 dòng hàng ở cấp độ 08 chữ số tăng 1.255 dòng so với danh mục HHXNK 2012 (giữ nguyên mô tả và mã hàng của 7.810 dòng, gộp 682 dòng; tách mã, chuyển mã và bổ sung dòng hàng mới 2.321 dòng) dẫn đến sự thay đổi tương ứng về số dòng thuế nên phải thực hiện chuyển đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) quy định tại Nghị định 122/2016/NĐ-CP. 

Mặc khác, trong giai đoạn 2018-2025, phần lớn các Hiệp định thương mại sẽ bước sang giai đoạn cắt giảm sâu và đạt đến mức độ xóa bỏ thuế quan (giảm thuế suất nhập khẩu về 0%) như Hiệp định ATIGA sẽ có 98,26% số dòng thuế về 0% vào năm 2018; ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) sẽ có 90% số dòng thuế về 0% vào năm 2018; ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) sẽ có 86% số dòng thuế về 0% vào năm 2018; ASEAN-Úc và Niu Di lân (AANZFTA) xóa bỏ thuế quan đối với 86% dòng thuế vào năm 2018 (đạt 92% số dòng thuế về 0% vào năm 2022); ASEAN - Ấn Độ (AIFTA) sẽ có 71%  số dòng thuế về 0% vào năm 2018 (và 9% số dòng thuế vào 2021); Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) sẽ có 41,78% dòng thuế về 0% vào năm 2018 (có 90,64% số dòng thuế về 0% vào năm cuối lộ trình là năm 2026) và Asean – Nhật Bản (AJFTA) sẽ có 62,2% số dòng thuế về 0% vào năm 2018 (tăng lên 88,6% số dòng thuế về 0% vào năm 2025). 

Theo đó, nhiều nhóm mặt hàng có cam kết lộ trình giảm thuế nhanh và thấp hơn nhiều so với mức cam kết WTO cũng như mức thuế MFN hiện hành và việc thực hiện thuế suất FTAs theo lộ trình tại các Hiệp định FTAs đã dẫn đến sự chuyển hướng thương mại nhất định, làm giảm ý nghĩa và mục tiêu bảo hộ, khuyến khích sản xuất trong nước của thuế suất MFN đồng thời dẫn đến thực tế là thuế suất nhập khẩu MFN của linh kiện, phụ tùng của nhiều mặt hàng cao hơn thuế suất FTA của sản phẩm nguyên chiếc. Vì vậy, cũng đã có ý kiến đề nghị phải giảm mức thuế suất MFN nhằm thu hẹp khoảng cách giữa thuế suất FTAs của thành phẩm với thuế suất MFN của nguyên liệu hoặc tăng mức thuế suất MFN đối với thành phẩm để bảo hộ sản xuất trong nước. 

Cùng với đó, thương mại hàng hoá trên thế giới ngày càng phát triển và đa dạng về chủng loại hàng hoá dẫn đến thuế suất MFN của một số mặt hàng có cùng bản chất, cấu tạo hoặc trong cùng một nhóm tại Biểu thuế MFN có sự chênh lệch tạo khó khăn trong công tác quản lý thu thuế; Sau ngày 01/9/2016 (ngày có hiệu lực của Nghị định 122/2016/NĐ-CP), Bộ Tài chính cũng đã nhận được một số kiến nghị sửa đổi thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu từ các văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của các Phó thủ tướng, từ kiến nghị của một số Bộ ngành, Hiệp hội và DN và của cơ quan hải quan tổng hợp từ việc đánh giá thực hiện Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu trong quá trình thực hiện quản lý thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

”Từ các nội dung nêu trên, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của các ngành sản xuất trong nước và tạo thuận lợi cho công tác quản lý thu thuế của cơ quan hải quan, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 122/2016/NĐ-CP là cần thiết!”- Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính khẳng định. 

Cũng theo bà Hằng, mục tiêu của việc sửa đổi Nghị định 122/2016/NĐ-CP là để thực hiện thống nhất trong thực hiện Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2017 theo cam kết trong nội khối ASEAN cũng như giải quyết vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho DN phát sinh trong thời gian qua và tác động của việc xoá bỏ thuế nhập khẩu theo cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết từ năm 2018 trở đi. Đặc biệt là tác động của việc giảm thuế nhập khẩu đối với xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ các nước ASEAN xuống 0% ngay từ 01/01/2018.

Các nội dung sửa đổi  gồm cả biểu thuế xuất khẩu và biểu thuế nhập khẩu, trong đó đáng chu ý là biểu thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô  đã qua sử dụng, vấn đề đang có nhiều ý kiến hiện nay ( PLVN sẽ phản ảnh trong bài viết sau). 

Trả lời câu hỏi của phóng viên về tác động đến thu ngân sách, đại diện Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, dự tính việc sửa đổi này có nội dung làm giảm thu ngân sách, có nội dung làm tăng thu ngân sách, nhưng tổng hợp chung ngân sách tăng thu khoảng 980 tỷ đồng, chưa tính đến nhập khẩu linh kiện ô tô.

Được biết, Bộ Tài chính đã có công văn 11072/BTC-CST ngày 18/8/2017 gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngày có hiệu lực thi hành của Nghị định thay thế Nghị định 122/2016/NĐ-CP là từ ngày 01/1/2018. Riêng quy định tại Điều 9 Nghị định (nội dung sửa đổi thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô) có hiệu lực ngay (áp dụng từ ngày 1/10/2017). Ngày 30/8/2017, Văn phòng chính phủ đã có công văn số 9246/VPCP-KTTH thông báo ý kiến của Phó TT Vương Đình Huệ đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính tại công văn số 11072/BTC-CST.

“Chúng tôi đang khẩn trương tập hợp ý kiến để hoàn thiện dự thảo chuyển Bộ Tư pháp thẩm định trong tháng 9 này để kịp trình Chính phủ ban hành”- Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính cho biết.

Đọc thêm