Sức bật mới thể thao Đà Nẵng

Nhìn lại quá khứ của thể thao Đà Nẵng, Phó Giám đốc Thường trực Sở VH-TT&DL Lê Nguyên Hồng không giấu được tự hào.

Kết quả còn khiêm tốn

Nhìn lại quá khứ của thể thao Đà Nẵng, Phó Giám đốc Thường trực Sở VH-TT&DL Lê Nguyên Hồng không giấu được tự hào:

Mô tả ảnh.
- Không kể đến các trung tâm TDTT như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quân đội, Hải Phòng, Công an Nhân dân, so với rất nhiều địa phương như Khánh Hòa, Thanh Hóa, TDTT Đà Nẵng có điểm xuất phát khá khiêm tốn, mặc dầu từ năm 1997, thành phố đã dành cho ngành TDTT một sự đầu tư đặc biệt. Thế nhưng, chính trong giai đoạn 2006-2010, thể thao Đà Nẵng mới có được sức bật mạnh mẽ để tự hào và tự tin sẽ nằm trong nhóm 7 đơn vị dẫn đầu Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010).

Khi kinh tế - xã hội phát triển, đời sống người dân từng bước được cải thiện, đòi hỏi hoạt động TDTT cũng đáp ứng yêu cầu phát triển chung của thành phố. Thế nhưng, con số 13 HCV, 20 HCB và 34 HCĐ cùng vị trí thứ 11/66 đơn vị tham gia thi đấu Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 5 (2006) vẫn là một thất bại với Thể thao Đà Nẵng so với chỉ tiêu 16-22 HCV cùng thứ hạng 10.

Dĩ nhiên, những dự báo về mục tiêu, kế hoạch và cả việc xác định những VĐV có thể giành thắng lợi là hoàn toàn chính xác, có cơ sở song kết quả lại bị chi phối bởi rủi ro, sơ suất lẫn những yếu kém nội tại, như đánh giá của lãnh đạo ngành TDTT thành phố.

Trong đó, sự đầu tư dàn trải khi kinh phí bị cắt giảm cùng với việc những VĐV trẻ chưa có điều kiện tích lũy kinh nghiệm cần thiết khiến tính liên tục và hệ thống trong quá trình chuẩn bị không bảo đảm. Bên cạnh, khả năng chỉ đạo của HLV cũng như trình độ của một số VĐV chưa đủ sức đua tranh cùng những đối thủ chủ yếu. Đồng thời, việc đánh giá về đối thủ chưa chuẩn để có những bước điều chỉnh phù hợp…là những tác động tiêu cực đến thành tích của Thể thao Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, điểm xuất phát thấp, yếu tố con người chưa bảo đảm và sức hút đối với những tài năng chưa cao là những vật cản để TDTT phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của thành phố Đà Nẵng.

Chăm lo con người

Mô tả ảnh.
Nhà thi đấu TDTT sẽ góp phần quan trọng nâng cao thành tích của thể thao Đà Nẵng.
Từ thất bại, ngành TDTT đã có được một bài học kinh nghiệm trong việc chuẩn bị xây dựng kế hoạch phát triển giai đoạn 2006-2010, đặc biệt trong bối cảnh Đà Nẵng là đơn vị đăng cai Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010). Giám đốc Trung tâm HL-ĐT VĐV Đà Nẵng Đặng Đông Hải hết sức phấn chấn sau những tín hiệu lạc quan ban đầu của Thể thao Đà Nẵng tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010):

- Tính đến tháng 8-2010, đoàn Thể thao Đà Nẵng đã giành được 19 HCV, 8 HCB và 13 HCĐ, tạm xếp thứ 3 trên bảng tổng sắp huy chương Đại hội. Đây là kết quả từ sự quan tâm của lãnh đạo thành phố khi tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho ngành TDTT về nhiều mặt…

Chẳng phải ngẫu nhiên khi bên cạnh những tài năng tại chỗ, thể thao Đà Nẵng đã lần lượt có sự đầu quân của Hoàng Anh Tuấn, Tô Vĩnh Khang (Cử tạ), Huỳnh Phương Đài Trang, Hoàng Thành Trung (Tennis), VĐV Đua thuyền Lưu Văn Hoàn, “kình ngư” Nguyễn Văn Đạt... Và khi được làm cũng như làm được, dĩ nhiên, sự quan tâm của thành phố dành cho Thể thao Đà Nẵng là tất yếu.

Bây giờ, bên cạnh khu nhà ở 4 tầng được tận dụng từ văn phòng Sở TDTT (cũ), một khu nhà 6 tầng khang trang với tổng mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng đang được gấp rút thi công để có thể đưa vào sử dụng trước ngày khai mạc vòng chung kết Đại hội TDTT toàn quốc 2010. Đồng thời, khu nhà 4 tầng tiếp tục được cải tạo, nâng cấp và có thể làm chỗ ở cho các VĐV tuyến trẻ cũng như phục vụ cho công tác tuyển sinh trong tương lai.

Giám đốc Đặng Đông Hải còn cho biết, sự quan tâm dành cho VĐV cũng chuyển đổi tích cực khi chế độ ăn của các VĐV đội tuyển đã là 120 nghìn đồng/người/ngày trong tập huấn và thi đấu, cùng khoản tiền công 50 nghìn đồng/người/ngày. Đồng thời, phụ cấp đối với trường hợp VĐV giành huy chương quốc gia cũng ở mức trung bình 2,5 triệu đồng/người/tháng và được hưởng trọn năm. Như thế, một VĐV có thành tích tốt nhất của Đà Nẵng hiện nay đã có mức thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng để chẳng ai còn phải “lăn tăn” và có thể tập trung tốt nhất cho chuyên môn.

Lạc quan hướng đến tương lai

- Cho đến lúc này, gần như toàn bộ yêu cầu của ngành TDTT về công tác chuẩn bị lực lượng, chính sách đãi ngộ HLV - VĐV để thu hút nhân tài lẫn cơ sở vật chất phục vụ tập luyện, thi đấu đều được lãnh đạo thành phố quan tâm giải quyết. Qua đó, đã đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành TDTT trong giai đoạn mới. Từ thứ hạng 11 tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 5 (2006) và xét về tiềm năng hiện tại, chúng tôi có quyền hy vọng về một thành tích khả quan ở Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010) mà Đà Nẵng là đơn vị đăng cai - Phó Giám đốc thường trực Sở VH-TT&DL Lê Nguyên Hồng tự tin.

Đến lúc này, ngoài Nhà thi đấu đa năng đang gấp rút thi công để bàn giao đúng tiến độ; Bể bơi thành tích cao cũng gần như làm mới hoàn toàn. Đồng thời, đường chạy trên sân vận động Chi Lăng đã được thảm nhựa toàn bộ để có thể đáp ứng tốt nhất cho công tác tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010). Bên cạnh đó, khu Đồng Xanh - Đồng Nghệ đang được quy hoạch, xây dựng để phục vụ giải Đua thuyền hiện đại của đại hội. Trong tương lai, nơi đây tiếp tục được sử dụng theo yêu cầu phát triển và tập huấn của một số bộ môn.

Không chỉ hướng đến Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010), Thể thao Đà Nẵng đã định hướng và có sự phân kỳ phát triển giai đoạn 2010-2015 cũng như xây dựng tầm nhìn đến 2020.

Đến lúc này, thể thao Đà Nẵng có quyền tự hào khi không còn “chạy theo” mà đã cạnh tranh khá sòng phẳng với các trung tâm mạnh ngay ở những môn thể thao trong hệ thống Olympic! Bây giờ, những cái tên Bùi Nhật Thanh, Nguyễn Thị Ngọc Ly (Điền kinh), Hoàng Quý Phước, Phạm Trường Giang, Nguyễn Thị Kim Oanh (Bơi lội), Hoàng Anh Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn (Cử tạ), Nguyễn Thanh Long (Billiards) hay Phan Thị Thanh Bình, Đỗ Đan Thy, Huỳnh Phương Đài Trang (Tennis)... chẳng còn xa lạ với giới thể thao trong nước cũng như quốc tế.

Với những gì đang có, thể thao Đà Nẵng hoàn toàn đủ tự tin để bước vào tương lai. Bởi, thành công tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010) sẽ là tiền đề cho những bước đột phá mới khi Thể thao Đà Nẵng đã biết hướng đến những mục tiêu xa hơn để thực sự trở thành một trung tâm thể thao tương xứng với vị thế của thành phố quê hương...

Bảo An

Đọc thêm