Hơn nửa thập kỷ qua, tên tuổi của ba cây đại thụ trong ngành biểu diễn âm nhạc Việt Nam: NSND Quý Dương, NSND Trung Kiên, NSND Trần Hiếu với những ca khúc bất hủ thấm đẫm tâm hồn dân tộc dường như đã tạc vào trái tim của hàng triệu người Việt trên khắp mọi miền đất nước.
Từ sau khi NSND Quý Dương lâm bệnh nặng rồi biệt ly hai người bạn ở tuổi 75, NSND Quang Thọ phần nào khỏa lấp chỗ trống của NSND Quý Dương... Và tiếp bước cha anh, có một sự hội ngộ của “ba chàng ngự lâm” khác là Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn. Họ vẫn đứng trên những sân khấu mà ở đó không có sự ồn ào tung hô của các fan trẻ quá khích, cuồng nhiệt vốn là lẽ thường ở showbiz...
Bộ ba F1 - Chúng tôi hát với nhau như tự bao giờ
Suốt 20 năm kháng chiến chống Mỹ “tiếng hát át tiếng bom”, mỗi bài hát của các nhạc sĩ Hoàng Việt, Lưu Hữu Phước, Huy Du, Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Hiệp, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Vân, Vũ Trọng Hối, Xuân Hồng, Huy Thục, Doãn Nho, Trần Chung, Xuân Giao, Nguyễn Tài Tuệ, Hoàng Hà (với Tình ca, Bài ca hy vọng, Câu hò bên bến Hiền Lương, Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng, Trường ca sông Lô, Ngọn đèn đứng gác)... là tiếng kèn xung trận, là lời thề sắt son trước sau như một của hai miền Bắc, Nam.
Tam ca 3C, từ trái qua phải: NSND Trần Hiếu, NSND Trung Kiên, NSND Quý Dương. |
Các bài hát ấy cất lên giữa các cung đường Trường Sơn huyền thoại, giữa những mâm pháo phòng không ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Bình, dưới lòng địa đạo Vĩnh Linh... đã nhân lên sức mạnh kết đoàn, làm vững hơn bước chân của những người lính, và đắp bồi thêm niềm tin chiến thắng ở những người đang ngóng đợi nơi hậu phương. NSND Quý Dương trình bày không biết bao nhiêu lần bài hát “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên khiến binh lính ngụy xao lòng.
NSND Trung Kiên, NSND Quý Dương và NSND Trần Hiếu học cùng khoa Thanh nhạc, Trường Âm nhạc Việt Nam (NSND Trung Kiên học khóa 3, NSND Quý Dương và NSND Trần Hiếu vốn là 2 người bạn thân từ nhỏ học khóa 1).
“Tam ca 3C” là cách gọi vui về nhóm nhạc gồm 3 “cụ”. “Ba ông già chúng tôi đã hát với nhau từ lúc nào cũng không còn nhớ nữa. Có người giờ còn nhắc đến những ấn tượng khó phai về bộ ba chúng tôi trong các chương trình biểu diễn trước Quảng trường Cách Mạng Tháng 8, sân khấu ngoài trời của Nhà hát Lớn... cách đây ngót nửa thế kỷ. Các bài hát của Nga hay ca khúc ca ngợi Bác Hồ... từ những ngày đó vẫn còn đọng lại trong tâm trí nhiều thế hệ.
Sau này, dù cao tuổi và mỗi người có hoàn cảnh khác biệt nhưng chúng tôi vẫn rất hòa hợp trên sân khấu. Mỗi lần xuất hiện, 3C đều được nhiều người yêu thích. Mỗi lần dựng chương trình lớn, tôi thường mời hai anh tham gia. Dù bận rộn nhưng thể nào 3C cũng cố gắng sắp xếp để tái hợp. Cách đây hơn chục năm, tôi làm đạo diễn Festival Huế, không ít khán giả bày tỏ ngạc nhiên khi “3 cụ” còn có thể cùng nhau cất tiếng hát như thế.
Không chỉ hòa hợp về nghệ thuật, chúng tôi có thể chia sẻ tâm tình được với nhau. Anh Dương đẹp trai được nhiều người yêu thích. Anh Hiếu vẻ ngoài xù xì nhưng có duyên... Mỗi người một tính cách, một hoàn cảnh nhưng đều có thể hiểu và thông cảm cho nhau...
Cuộc sống mỗi người đều có nỗi buồn riêng, dù không chè chén với nhau vì tôi với anh Dương đều không biết uống rượu, anh Hiếu uống khá hơn, nhưng chuyện riêng tư của mỗi người đều có thể tâm sự cho nhau biết.
“Cuộc sống ơi ta mến yêu người” là ca khúc của Nga mà chúng tôi có nhiều lần biểu diễn cùng nhau, cũng như lời động viên, khích lệ đối với nhau mỗi lần sát cánh cất lên tiếng hát, tiếng đời...”, NSND Trung Kiên tâm sự.
Và tam ca nhạc đỏ hát bằng tâm thế tự hào của người trẻ
Thời gian qua đi, khi Quý Dương, Trần Hiếu, Trung Kiên đã có tuổi, họ lại truyền thụ cảm xúc của mình cho học trò, những ca sĩ sở hữu chất giọng tuyệt đẹp như Đăng Dương (học trò của NSND Trung Kiên), Trọng Tấn (học trò của NSND Trần Hiếu), Việt Hoàn (học trò của cố NSND Lê Dung)... Lớp cha trước, lớp con sau, “tre già măng mọc”, một lớp ca sĩ thế hệ 7X, 8X - những người hầu như chỉ biết đến chiến tranh qua ký ức của cha mẹ, qua sách báo, phim ảnh - lại đã tiếp nhận dòng nhạc đỏ, dòng nhạc cách mạng với tâm thức mới mẻ, tâm thức của những người trẻ.
Tam ca nhạc đỏ Việt Hoàn - Đăng Dương - Trọng Tấn |
Họ là những chàng trai với xuất phát điểm khác nhau, nhưng đều theo đuổi dòng nhạc thính phòng cổ điển. Niềm say mê ấy khiến họ hợp tác để thể hiện các ca khúc sáng tạo hơn chứ không có ý định thành lập hẳn một tam ca chuyên nghiệp. Ngay từ lần đầu tiên đứng cùng nhau trên sân khấu vào năm 1998, tam ca Đăng Dương - Trọng Tấn - Việt Hoàn đã gây ấn tượng mạnh khi trình bày ca khúc nổi tiếng “Việt Nam trên đường chúng ta đi” của nhạc sĩ Huy Du. Và cũng từ đây, ba cái tên, ba gương mặt luôn được nhắc cùng nhau và họ trở thành một nhóm hát không thể thay thế.
Mặc dù sân khấu với những người trẻ theo dòng nhạc chạm tới trái tim bao người này không có tiếng gào thét cổ vũ, không có những fan trẻ cuồng nhiệt nhưng họ vẫn luôn cảm nhận được tình yêu chân thành của khán giả ưu ái dành tặng cho mình.
Mỗi người đang đi trên con đường riêng, NSƯT Việt Hoàn công tác tại Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, ca sỹ Đăng Dương vẫn kiêm nhiệm vai trò giảng viên ở Học viện Âm nhạc Việt Nam và vai trò ca sỹ. Trọng Tấn ngoài nhạc truyền thống, người ta từng thấy anh trong vai của một ca sĩ hát Pop ballad rất ấn tượng. Tuy nhiên, những bài hát anh lựa chọn đều hướng đến sự tinh tế và sang trọng. Và gần đây nhất, anh đã viết đơn xin nghỉ vai trò làm thầy tại Học viện Âm nhạc Việt Nam để dành thời gian cống hiến nhiều hơn cho khán giả.
Dường như với Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn, bằng tuổi trẻ của mình, họ đang tiếp lửa những bài hát trữ tình cách mạng, với những ca từ thấm đẫm máu, nước mắt và hoa như Đường chúng ta đi, Tình ca, Xa khơi, Đất nước nơi đầu sóng..., để những ca khúc nhạc đỏ sẽ mãi mãi còn xanh, mãi mãi khiến tình yêu và nỗi nhớ rưng rưng, đong đầy trong kí ức của muôn triệu người đã hoặc chưa từng đi qua những năm tháng đau thương khói lửa.
Họ đang kể những câu chuyện của ngày hôm qua bằng chính trái tim và tài năng của những người trẻ đã lựa chọn một lối đi đáng trân trọng, để dòng chảy ấy len lỏi thấm đẫm vào lớp lớp thế hệ mai sau…
Nguyễn Mỹ