“Chúng ta nỗ lực trong việc cùng huyện, thành phố tu bổ di tích liên quan đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đó là điều cần ghi nhận. Nhưng để phát huy giá trị di tích, thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch đến thăm quê ngoại Trạng Trình, tôi mong chính quyền và nhân dân xã Kiến Thiết nên học hỏi thêm kinh nghiệm quản lý di tích đền Trạng Trình ở quê nội cụ”. Sự biểu dương cũng như ý kiến chỉ đạo trên của Phó chủ tịch UBND thành phố Hoàng Văn Kể tại lễ kỷ niệm 425 ngày mất của danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm vừa qua tại xã Kiến Thiết (Tiên Lãng) làm mọi người rất phấn khởi
|
Du khách tham quan tại đền Trạng. Ảnh: Hoàng Phước |
Tuy nhiên, điều suy nghĩ nhiều hơn chính là những người có trách nhiệm bên quê nội cụ Trạng Trình. Trước hết, đối với khách du lịch, ngoài tham quan, họ có nhu cầu hỏi đáp, tìm hiểu di tích và các vấn đề liên quan. Người của Ban quản lý đền, hơn ai hết phải thỏa mãn những thông tin ấy, đôi khi lại kiêm luôn vai trò một thuyết minh du lịch. Nhưng cứ như đại diện Ban quản lý nhà đền khi khách hỏi về dự án, trật tự thờ tự tại đền thờ mới sau đền Trạng Trình cũ, rằng: “Cái này chúng em không biết!…”, thì tạo cảm giác đó chỉ là “ người trông đền” thuần túy mà thôi!
Nhưng cái sự “ trông đền” cũng rõ chán! Ngoài đền chính bài bản như vốn có, Nhà trưng bày tư liệu thân thế sự nghiệp Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm (và cả đền thờ Bác Hồ cạnh chùa Song Mai (!?)) rõ ràng về địa chỉ, nhiều hạng mục khác “ bặt vô âm tín” như cái quán Trung Tân. Khách nháo nhác hỏi, thì được chỉ đường: cứ đi theo bờ đê sông Hàn, cách đền chừng cây số là đến!! Hoặc như tháp bút Kình Thiên và rất nhiều dấu tích liên quan đến Trạng Trình đều không được nhận biết qua các tín hiệu, biển báo..Kết quả là đa số chỉ vào đền khấn cụ là về!
Lo khoản tiền quá lớn để tu bổ di tích là việc làm quá sức với một ban quản lý di tích. Nhưng sẽ là vừa khả năng và đúng chức năng với những công việc nhằm quản lý, quảng bá, giới thiệu không gian lễ hội, các hạng mục di tích. Với quán Trung Tân, khách sẽ dễ dàng nhận biết ngay nếu như có một sơ đồ toàn cảnh di tích và mũi tên chỉ hướng ra đê sông Hàn. Một biển báo như vậy cũng phải dựng ngay ở phía đò Hàn lên, để thấy rằng có tới hai lối nếu muốn đến tham quan hạng mục di tích này.
Mùa xuân là mùa lễ hội, mùa các cơ sở tín ngưỡng đón khách thập phương. Từ những “ chỗ khuyết” ở di tích Trạng Trình, cho thấy: Những cán bộ quản lý di tích mà có khả năng chuyên ngành sử học, Hán Nôm… thì đặc biệt thú vị với khách du lịch. Ở thời điểm hiện nay học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm quản lý, tu bổ di tích là điều vô cùng cần thiết. Vì vậy, không chỉ cần yêu cầu cao về nghiệp vụ đối với cán bộ quản lý di tích, lực lượng này cũng cần được tạo những điều kiện để nêu cao tinh thần chủ động. Chỉ “ trông đền” thì không học hỏi được gì hơn.
Tam Thuật