Một số ĐH cho phép những sinh viên có đủ điều kiện học cùng lúc hai chương trình, qua đó có thể cùng lúc lấy hai bằng ĐH. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội tìm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Trước đó, theo Quy chế Đào tạo ĐH, CĐ hệ chính quy ban hành năm 2006, sinh viên (SV) học cùng lúc hai chương trình phải không thuộc diện tạm ngừng học và có điểm trung bình chung học tập cả năm từ 7,0 trở lên.
Lấy 2 bằng ĐH cùng lúc
ĐH Hà Nội đã có quyết định cho phép 264 sinh viên hệ chính quy đủ các điều kiện theo quy định về học cùng lúc 2 chương trình.
Theo ông Lê Quốc Hạnh, quyền Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Hà Nội cho hay: điều kiện để những sinh viên được học cùng lúc 2 chương trình là điểm tổng kết học kỳ phải đạt từ 7,0 trở lên. Đối với sinh viên đăng ký học các ngành Quản trị kinh doanh, Du lịch, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Quốc tế học, Khoa học máy tính ngoài kết quả học tập tốt còn phải đạt điểm điều kiện về tiếng Anh 550 điểm TOEFL hoặc 6.0 điểm IELTS.
|
Việc cho phép sinh viên học hai bằng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho họ sau khi ra trường. Ảnh: Trung Kiên. |
Tương tự, ĐH Ngoại Thương Hà Nội cũng vừa triển khai để SV học hai chương trình cùng lúc. Theo TS Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, những SV chính quy đang theo học một chuyên ngành đào tạo của trường, đã hoàn thành ít nhất học kỳ I của năm thứ nhất và không bị xếp hạng học lực yếu ở chương trình thứ nhất đều được xét để học chương trình thứ hai. Tổng thời gian tối đa cho SV học cùng lúc 2 chương trình là 6 năm kể từ ngày nhập trường. SV học chương trình thứ hai tại trường khi tốt nghiệp được cấp 2 bằng ĐH và hai bảng điểm của hai chuyên ngành.
Cũng theo bà Thủy, đối với những SV khóa 45, 46 đang theo học các chuyên ngành ngoại ngữ có thể chọn chuyên ngành thứ hai là Kinh tế đối ngoại, Tài chính quốc tế, Quản trị kinh doanh quốc tế. SV học chuyên ngành kinh tế có thể chọn chuyên ngành thứ hai là Quản trị kinh doanh quốc tế và Tài chính quốc tế.
Năm học 2010 - 2011, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tiến hành đào tạo cùng lúc hai chương trình. Nếu có nguyện vọng, hết năm học thứ nhất, SV được đăng ký học thêm một chương trình đào tạo thứ hai ở các đơn vị đào tạo trong ĐHQGHN và khi tốt nghiệp được cấp 2 văn bằng đại học chính quy.
Gánh nặng học phí
Việc một số trường ĐH cho phép SV đủ điều kiện học ngành thứ hai mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường. Nguyễn Thu Hà, Khoa tiếng Anh, ĐH Hà Nội cho biết đã đăng ký ngành Tài Chính – Ngân hàng là ngành học thứ hai. Hà hy vọng sau này ra trường, với vốn tiếng Anh chuyên sâu và lại có chuyên môn về ngân hàng thì cơ hội nghề nghiệp sẽ rất rộng mở. Tuy nhiên, học phí mỗi kỳ hơn 1 triệu đồng khi học chuyên ngành thứ hai cũng là khó khăn mà nhiều SV gặp phải khi quyết định theo học.
Tại Trường ĐH Hà Nội, những SV theo học chương trình thứ hai hệ chính quy đều phải nộp học phí và không được hưởng chế độ miễn, giảm học phí và không được hưởng chế độ học bổng.
Mức thu học phí thu theo quy định hiện hành của Nhà nước và điều kiện cụ thể của trường, đặc thù giảng dạy của từng chuyên ngành và có thể điều chỉnh theo từng năm học.
Năm học 2009 – 2010, mức học phí với tất cả các ngành ngoại ngữ là 5.000/tiết, học phí các chuyên ngành kinh tế, xã hội và công nghệ giảng dạy bằng tiếng Anh là 600.000 đồng/môn học.
Đối với sinh viên các ngành ngoại ngữ, nếu đăng ký ngành học thứ hai là một ngoại ngữ khác, được miễn học tất cả các môn cơ sở dạy bằng tiếng Việt đã học ở chuyên ngành thứ nhất. SV các ngành ngoại ngữ nếu đăng ký ngành học thứ hai như: kinh tế, xã hội, công nghệ cũng được miễn học tất cả các môn thuộc khối giáo dục đại cương.
Lường trước những khó khăn khi vừa học ngành tiếng Trung thương mại và ngành Kinh tế đối ngoại, SV Nguyễn Đình Thắng, Khoa tiếng Trung thương mại, ĐH Ngoại Thương cho hay: Học 2 chương trình cùng lúc thì số môn học sẽ tăng lên và phải đầu tư nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, đây là cơ hội để sinh viên có thể lấy 2 bằng trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, sau khi ra trường, với 2 tấm bằng ĐH thì vấn đề việc làm không phải quá khó.
Theo Đất Việt