Như đã biết, sự cố thu hồi xe của Toyota đã làm cho hãng chịu rất nhiều tổn thất cả về tiền bạc lẫn danh tiếng. Nhưng vấn đề nảy sinh đáng nói ở đây là tai nạn này còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh của những nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản khác trong mắt khách hàng trong nước cũng như thế giới.
Đa số giới chuyên môn nhận định rằng Honda Motor (HMC) và Nissan (NSANY) rất có thể sẽ là hai nhà sản xuất gặt hái được nhiều thành công nhất từ sự cố ngoài ý muốn của Toyota, bởi theo một thống kê cho hay rất nhiều khách hàng của Toyota đã từng để mắt tới nhiều hãng xe hơi Nhật Bản khác trước khi quyết định chấm Toyota làm xế cho mình.
Trong khi trang web Edmunds.com dự báo rằng doanh số bán hàng của Toyota trong tháng hai vừa rồi sẽ tụt 10% so với năm ngoái thì Honda lại được số đông tin tưởng sẽ tăng số đầu xe lên 24% để giành vị trí số 4 và với Nissan sẽ là 38%, tương đương ngôi vị số 6.
Ấy vậy mà tất cả những con số trên đều chỉ yên vị trên lý thuyết bởi chẳng ai ngờ rằng tháng hai năm 2010 đã trở thành “tháng đại hoạ nhất” trong lịch sử công nghiệp xe hơi tính từ năm 1981 trở lạị đây. Và chẳng có lý gì để các nhà chuyên môn không cho rằng những khách hàng tiềm năng của Toyota đang “cưỡi ngựa xem hoa”.
Đương nhiên, nếu các thượng đế chịu bỏ đi những thành kiến ấy thì Honda và Nissan sẽ nhanh chóng vượt qua được giai đoạn khó khăn này. Nhưng, thực tế lại không như vậy. Nhiều chuyên gia cho rằng các nhà sản xuất ôtô nước ngoài như Ford Motor, General Motors và Hyundai (Hàn Quốc) sẽ thắng lớn trong năm nay.
Jeff Schuster, giám đốc bộ phận dự báo toàn cầu ở J.D. Power & Associates cho hay: “Toyota là lá cờ đầu về sản xuất ôtô ở Nhật Bản. Rất khó để có thể xác định được sự cố của hãng đã gây ảnh hưởng lớn đến mức nào cho các hãng khác, nhưng rõ ràng nó đã tạo một đợt sóng ngầm trên thị trường xe hơi.”
Theo như số liệu thống kê trong vài tuần gần đây của Kelley Blue Book thì trong khi những khách hàng hiện đang sở hữu sản phầm của Honda và Nissan vẫn tỏ ra trung thành với các hãng này thì một vài người khác có xu hướng chuyển sang ủng hộ cho đối thủ của Toyota.
Bên cạnh đó, theo ông Hwei-Lin Oetken, phó chủ tịch phụ trách thị trường của Kelley Blue Book cho biết tỉ lệ đánh giá về độ an toàn của Honda và Nissan đã giảm đôi chút trong cuộc khảo sát mới nhất.
Trong tháng hai, Honda cũng phải thu hồi 438.000 đầu xe do trục trặc ở bộ phận túi khí, mặc dù suy cho cùng con số ấy chỉ là muối bỏ bể so với 8 triệu sản phẩm của Toyota. Dĩ nhiên, Honda cũng chịu không ít sự chỉ trích và soi mói từ phía giới truyền thông và dư luận.
Christina Ra, phát ngôn viên của Honda cho biết doanh số của hãng không bị ảnh hưởng nhiều từ thất bại của Toyota. Bà cũng nói thêm rằng Honda chỉ phải giải quyết những vấn đề liên quan đến việc thu hồi xe chứ không hề băn khoăn gì tới hiệu ứng gây ra bởi Toyota. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận xét về mặt nào đó, Honda cũng phải đối đầu với một số ảnh hưởng tiêu cực.
Còn phát ngôn viên bên Nissan, Fred Standish lại phát biểu ông không tin tưởng vào những con số mà Kelley Blue Book đưa ra vì thế ông không đưa ra bất kỳ ý kiến gì. Dẫu thế, Nissan vẫn chiếm được thị phần như mong đợi ở Mỹ hồi tháng 1 và đang lấy lại thế cân bằng trong tháng vừa rồi.
Thế nhưng vấn đề chính khiến cho nguy cơ của nền sản xuất xe hơi Nhật Bản đang ngày càng lớn hơn là do chất lượng của nó đã và đang tương đương với các hãng xe trong nước như Chevrolet và Ford, điều mà ở thập kỷ trước đây hoàn toàn không thể xảy ra. Bằng chứng là ở những đời xe 2000, Ford và Chevrolet gặp nhiều vấn đề về chất lượng hơn hẳn Toyota và Honda (29% cho tới 42%). Thế mà ở đời xe 2009, khoảng cách ấy chỉ còn là 1% và 4%.
David Cole, chủ tịch Viện nghiên cứu tự động hoá cho biết nếu như không có sự cố thu hồi xe thì người Mỹ sẽ vẫn tin rằng chất lượng xe Nhật hơn hẳn những đối thủ khác. Không may thay, tai nạn này còn kéo theo nhiều mảng đen đằng sau và khiến cho niềm tin nơi khách hàng bị tụt dốc đáng kể.
Cole chia sẻ: “Khoảng cách giữa thực tế và niềm tin đã dãn ra rất nhiều. Do đó một khi bạn đã mất niềm tin mà bấy lâu nay bạn xây dựng thì tất cả coi như sụp đổ.”
Trên thực tế, không phải tất cả mọi người đều tỏ ra thất vọng về chất lương của Toyota. Lonnie Miller, phó chủ tịch kiêm chuyên gia phân tích của R.L. Polk cho hay: “Chúng tôi không nghĩ rằng đây sẽ là hồi kết cho công nghiệp xe hơi của Nhật Bản. Đúng là nó đã gây ra nhiều thiệt hại to lớn thế nhưng tôi vẫn mong đợi khách hàng sẽ hồi tâm chuyển ý.”
(Nguồn: CNN)